Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/04/2025 18:04
Thứ bảy, 26/04/2025 06:04
TMO - Giá dừa tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng mạnh, đạt mức cao trong nhiều năm trở lại đây, mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng dừa. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành hàng dừa trong thời gian tới.
Dừa là loại cây dễ trồng, có khả năng thích nghi cao với nhiều loại đất, điều kiện khí hậu khác nhau, thời gian sinh trưởng dài, trồng một lần có thể thu hoạch trái đến vài chục năm. Trung bình từ khi trồng khoảng 3 năm trồng thì cây dừa sẽ cho trái, nếu đất tốt, chăm sóc kỹ thì năng suất có thể đạt hơn 100 trái/năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước có gần 200.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh Bến Tre và các tỉnh duyên hải miền Trung. Từ con số khiêm tốn chỉ xuất đạt 180 triệu USD vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ và đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD trong năm 2024.
Trước đó, vào cuối tháng 10-2024, tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc, tạo thêm bước đi căn cơ cho ngành dừa. Hiện, Bến Tre có 133 vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo khảo sát thì Trung Quốc hàng năm tiêu thụ khoảng 4 tỉ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ quả tươi. Nhu cầu lớn, nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho dừa của Việt Nam vào thị trường tỉ dân này.
Ở tỉnh Bến Tre, nơi có khoảng 80.000ha dừa, đứng đầu cả nước về diện tích, hiện bà con phấn chấn do giá tăng cao. Theo chia sẻ của người dân xã Phú Long (huyện Bình Đại) hiện dừa có giá 200.000 đồng/10 quả, khiến người dân vui mừng. Tuy nhiên, do vụ nghịch nên số hộ trúng đậm dừa giá cao cũng không đại trà nhiều.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, diện tích trồng dừa không lớn, chủ yếu là nông dân trồng xen với một số loại cây trồng khác, hoặc trồng xung quanh nhà, bờ kênh, bờ mương. Người dân ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, dù giá dừa cao nhưng do đang mùa khô và cũng là mùa nghịch nên cây dừa ít ra trái, vì vậy nông dân cũng không có nguồn thu nhập cao từ cây dừa vào thời điểm này. Người dân mong giá trái dừa sẽ tiếp tục duy trì để người dân trồng có thêm nguồn thu nhập.
Theo những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa ở ĐBSCL, nguyên nhân khiến giá dừa tăng mạnh và thiếu hụt nguyên liệu là do mùa nghịch, cộng với năng suất giảm; ngoài ra tình hình xuất khẩu dừa sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác cũng khá tốt, vì vậy sản lượng dừa ở ĐBSCL không đáp ứng đủ nhu cầu. Dự báo, giá dừa còn duy trì ở mức cao, bởi đến khoảng tháng 8, tháng 9 thì dừa mới thu hoạch chính vụ.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để việc xuất khẩu dừa được bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kêu gọi tất cả các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu… tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật như đã đề cập tại nghị định thư và các quy định liên quan.
Cần thấy rằng, tuân thủ nghị định thư và các quy định liên quan của Trung Quốc sẽ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm của chúng ta, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho hay, đến nay tỉnh được cấp 20 mã số vùng trồng dừa, trong đó có 10 mã đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Giá dừa tăng cao mang lại thu nhập tốt cho người trồng dừa.
Do diện tích trồng dừa ở Trà Vinh còn manh mún nên việc cấp mã số gặp hạn chế. Tỉnh quy hoạch lại vùng trồng tập trung, hướng VietGAP, hữu cơ và kêu gọi các thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành dừa nhằm chuẩn hóa quy trình từ sản xuất đến xuất khẩu, nhất là thị trường tiềm năng Trung Quốc…
Còn tại Bến Tre, vào năm 2021, tỉnh này đã ban hành Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng…
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre, đến nay tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung. Trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Cùng với phát triển chuỗi giá trị dừa thì tỉnh xây dựng hàng chục hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tham gia liên kết, tổ chức sản xuất gắn với sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa.
Từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp nên hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương; đồng thời đảm bảo đầu ra cho bà con trồng dừa.
Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, nước ta có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 trên thế giới và là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hàng chục năm qua, ngành dừa Việt Nam cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho các sản phẩm như cơm dừa, nước dừa, dầu dừa…, đồng thời tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho hàng triệu nông dân, công nhân cùng tham gia.
Việc giá dừa tăng mạnh không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho hàng chục nghìn hộ nông dân, mà còn cho thấy tín hiệu khởi sắc của thị trường nông sản cũng như ngành hàng dừa.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng bền vững, ngành dừa cần được đầu tư đúng mức về quy hoạch vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Khi có sự đồng hành giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, cây dừa và các sản phẩm từ dừa sẽ tiếp tục là cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Hoàng Oanh
Bình luận