Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ ba, 07/05/2024 14:05
TMO - Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển vùng theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.
Theo Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. Nội dung quy hoạch tập trung vào sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động phát triển, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị.
Đến năm 2030 trở thành vùng hiện đại, công nghiệp phát triển
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước. Là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; Trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; Có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á.
Đông Nam Bộ sẽ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước.
Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, Đông Nam Bộ tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu trên cơ sở đổi mới công nghệ, mô hình to chức sản xuất, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao: Công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, điện tử - viễn thông, cơ khí chế tạo, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin...
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics. Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ số, công nghệ quản lý hiện đại trong vận hành của các trung tâm logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, bảo đảm năng lực cạnh tranh và hội nhập được với các trung tâm logistics của khu vực, thế giới.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực. Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch có lợi thế như du lịch biển, đảo, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa, các dịch vụ vui choi, giải trí; đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế;
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, thông minh, tuần hoàn, sinh thái, bền vững; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đồi khí hậu; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức lại phương thức sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, tăng cường liên kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thề, hợp tác xã; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học;
Phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển, rừng đặc dụng. Phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Phát triển nông - lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, lâm nghiệp đô thị, cảnh quan và các loại hình du lịch bền vững gắn với rừng. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ cac-bon, phát triển kinh tế dưới tán rừng...
Đến năm 2050, Đông Nam Bộ có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ
Theo quy hoạch, đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000USD.
Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; Có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đông Nam bộ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như: Công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (gắn với hình thành trung tâm tài chính quốc tế), logistics. Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng-chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải quyết cơ bản tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng và ô nhiễm môi trường. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD).
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và các vành đai công nghiệp-đô thị-dịch vụ gắn với đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM. Trong ảnh: Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc đường vành đai 3.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế
Vùng Đông Nam Bộ tập trung phát triển vùng động lực phía Nam (vùng động lực quốc gia) trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng đô thị TP.HCM hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực. Hình thành và phát triển các chuỗi đô thị gắn với hành lang kinh tế: Bắc-Nam; Mộc Bài-TP.HCM-Cái Mép-Thị Vải;Tây Nguyên-Đông nam Bộ; TP.HCM-Bình Dương-Bình Phước… và các vành đai công nghiệp-đô thị-dịch vụ gắn với đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM.
Kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế và làm cơ sở để tổ chức lại không gian phát triển vùng. Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng...
Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững, vùng Đông Nam Bộ sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển; Bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm phát thải khí nhà kính; Đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước.
Duy trì và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặt trưng, nguồn nước và các hành lang xanh trong vùng, cải thiện chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị. Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%; Tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của dân cư thành thị là 100%, của dân cư nông thôn là 95%; Trên 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên, và 20% đối với các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn.
95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, phấn đấu tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 10% tổng lượng chất thải được thu gom. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt 90%, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 98%. 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Vùng Đông Nam Bộ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên và môi trường, Quy hoạch vùng nhấn mạnh đến giải pháp về môi trường, trong đó: Chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong vùng; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chủ động giám sát các đối tượng, dự án tiềm ấn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường; thiết lập các cơ chế kiểm soát liên ngành, liên vùng, ngăn chặn các hoạt động phát thải gây hại đên môi trường trong vùng và liên vùng;
Quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung để thu gom, xử lý tối đa chất thải rắn phát sinh tại các địa phương; áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, hạn chế xử lý bằng phương pháp chôn lấp Tăng cường đầu tư các nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của khu đô thị, khu dân cư tập trung, trước mắt ưu tiên cho các đô thị có hoạt động xả thải ra lưu vực sông Đồng Nai và xử lý nước thải, cải tạo, khôi phục lại các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bằng các nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa;
Kiểm soát các nguồn phát sinh khí thải công nghiệp, khí thải giao thông bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn; Đẩy mạnh xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất ở cậc khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, các điểm tồn lưú hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, các bãi chôn lấp chất thải rắn đã đóng cửa hoặc di dời. Hoàn thành xử lý các khu vực bị ô nhiễm đi-ô-xin do chiến tranh ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Phước Vinh
Bình luận