Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 05/02/2022 07:02
TMO - Với những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, những thác nước hùng vỹ và nhiều di sản văn hóa phi vật thể, huyện Kbang (Gia Lai) có tiềm năng du lịch rất lớn.
Mới đây, Cao nguyên Kon Hà Nừng chính thức trở thành Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Việc Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận sẽ giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo mang tính riêng biệt về đa dạng sinh học, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân trong vùng phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ tài nguyên rừng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nằm trong vùng lõi của Cao nguyên Kon Hà Nừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc huyện Kbang có hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi trung bình, còn tương đối nguyên vẹn. Đồng thời, nơi đây có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái, động, thực vật rừng của khu vực Tây Nguyên.
Khi bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chứa đựng đa dạng sinh học với hệ sinh thái rừng quý hiếm
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ước tính có khoảng 10.000 ha rừng già và rừng nguyên sinh, với gần 550 loài thực vật bậc cao. Đặc biệt, trong đó có đến 18 loài quý hiếm, được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam và 7 loài góp mặt vào Sách Đỏ Thế giới.
Cùng với thảm thực vật đang dạng là hệ động vật phong phú với 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm. Đó là lý do khi đến khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, du khách có thể vô tình bắt gặp các loài thú trong rừng, nghe tiếng chim hót véo von và say đắm trước khung cảnh những đàn bướm bay lượn trong nắng.
Để phát huy thế mạnh mà thiên nhiên đã hào phóng biệt đãi cho nơi đây, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, trong quá trình khai thác tài nguyên để phục vụ du lịch, cần đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững. “Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường và quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn.
Ngoài ra, việc nuôi trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái cùng các giá trị dịch vụ từ rừng là cơ hội mang lại lợi ích về kinh tế, việc làm và thu nhập cho người dân. Không chỉ sở hữu những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, những thác nước hùng vỹ, huyện Kbang còn là nơi tập trung nhiều loại cây dược liệu quý có giá trị cao như: Sâm cau, sâm đá, sâm dây, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, mật nhân, hà thủ ô đỏ, sa nhân, hoàng đằng, vàng đắng, cốt toái bổ...
Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Kbang đã xây dựng chương trình trọng tâm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn rừng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Huyện Kbang nằm trong vùng thiên nhiên còn khá nguyên sơ, diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, có nhiều thác nước nên thơ và hùng vỹ. Nơi đây còn có nhiều thảm động, thực vật hết sức phong phú…
Với những lợi thế đó, Kbang có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 6 điểm du lịch trên địa bàn gồm: Du lịch Văn hóa - Lịch sử làng Kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung); Du lịch Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An); Căn cứ cách mạng tỉnh Gia Lai - Khu 10 (xã Krong); Khu du lịch sinh thái Thác 50 - Kon Chư Răng; thác Kon Bông, Kon Lốc (xã Đăk Rong) và điểm du lịch thác Hang Dơi (Thị trấn Kbang).
Huyện Kbang tận dụng những lợi thế từ tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng
Tận dụng những thế mạnh từ tài nguyên thiên nhiên trong phát triển du lịch, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch như: Khoanh vùng quản lý bảo vệ và triển khai các dịch vụ du lịch tại các thác nước; tổ chức các sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí, dã ngoại cho du khách; xây dựng mô hình nhà ở cộng đồng (homestay) tại các làng; phát triển dịch vụ ẩm thực địa phương gắn với những đặc sản đặc trưng của các dân tộc.
Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc; đầu tư phục dựng các lễ hội tiêu biểu như: Lễ mừng nhà rông mới; Lễ mừng lúa mới; Lễ thổi tai... Đồng thời, củng cố các đội cồng chiêng nhỏ tuổi tại các làng Bahnar truyền thống; duy trì định kỳ và đổi mới hình thức tổ chức “Ngày hội du lịch” huyện Kbang hàng năm.
Văn Dương
Bình luận