Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 12/09/2022 12:09
TMO - Với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc tạo lợi thế để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển các ngành kinh tế. Vì vậy, việc đánh giá đúng tiềm năng, thách thức, đề xuất những giải pháp phát triển phù hợp kinh tế sông tại khu vực này góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Kinh tế sông được hiểu là các hoạt động kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên sông nước, từ đó, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mang tính đặc trưng cho toàn vùng. Từ nguồn tài nguyên này, có thể phát triển các hoạt động kinh tế như: hoạt động vận tải đường sông, phát triển du lịch trên sông, nuôi trồng thủy sản trên sông, sử dụng nguồn nước sông cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt...
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL sẽ giúp tiết kiệm chi phí tính vào giá thành sản phẩm đối với các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. Các chi phí phát sinh do xả thải chất ô nhiễm không khí, tiếng ồn của vận tải đường sông cũng thấp so với nhiều phương thức vận tải khác. Đồng thời, góp phần hình thành và duy trì khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp cốt lõi và các ngành công nghiệp phụ trợ khác gắn với kinh tế sông của quốc gia trên thị trường thế giới.
Vùng ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, với khoảng 26.550km sông tự nhiên, thuận lợi cho giao thông thủy; trong đó có trên 5.000km sông, kênh, rạch cho phép phương tiện thủy trọng tải trên 100 tấn đi lại dễ dàng.
Các tỉnh thuộc ĐBSCL đang đẩy mạnh phát huy lợi thế về sông ngòi, kênh rạch trong phát triển các ngành kinh tế
Bên cạnh đó, hầu hết các dòng sông chính, cùng các phụ lưu và hệ thống rạch đã tạo nên một mạng lưới liên hoàn chảy qua các khu công nghiệp tập trung, khu dân cư… Đồng thời, có nhiều cảng sông tiếp cận trực tiếp với hệ thống giao thông đường bộ. Nhiều tuyến sông có vị trí tiếp cận với các cảng biển quan trọng, tạo nên những điểm nối giao lưu giữa các phương thức vận tải.
Có thể kể đến tuyến giao thông trên kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch, vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng đi TP HCM, Đông Nam Bộ và ngược lại với khoảng cách gần hơn nhiều so với đi đường biển. Mỗi ngày có khoảng 1.800 phương tiện đi qua tuyến kênh này. Hay ở tỉnh Đồng Tháp có sông Hậu và sông Tiền chảy qua, hiện có 12 tuyến đường thủy quốc gia đi qua với chiều dài gần 420km. Nhờ lợi thế này, tỉnh có các tuyến kênh cấp I, cấp II chảy qua, cho phép khai thác các sà lan và phương tiện thủy nội địa.
Tại Đồng Tháp còn có hệ thống bến cảng Cao Lãnh, Sa Đéc có thể tiếp nhận nhiều phương tiện vận chuyển trọng tải lớn. Tương tự, tỉnh Cà Mau có các tuyến sông, kênh, rạch nằm trên đường đi của 4 tuyến vận tải thủy quốc gia. Trong số đó, có tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Cà Mau đi qua kênh Xà No và tuyến ven biển, tuyến qua kênh Xà No có chiều dài trên 390 km, có lưu lượng phương tiện đi lại nhiều nhất trong vùng.
Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên nhất là hệ thống kênh rạch, thời gian qua du lịch sông nước trở thành một trong 3 loại hình du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách nhất tại khu vực này cùng với du lịch nông nghiệp và du lịch biển đảo chất lượng cao.
Hiện nay, không gian du lịch vùng chia thành 6 tiểu vùng sinh thái và 2 cụm du lịch phía Tây và phía Ðông. Trong đó, cụm phía Tây (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng là nghỉ dưỡng biển đảo, sinh thái, sông nước, chợ nổi và tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội. Cụm phía Ðông (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) khai thác sản phẩm đặc trưng về nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn tham quan làng nghề, các di tích lịch sử và homestay
Vai trò của sông đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long là không thể thay thế. Tuy nhiên, do đường bộ phát triển nhanh trong khi giao thông đường thủy không được đầu tư đúng mức để phát triển kinh tế, vai trò các con sông trong phát triển kinh tế-xã hội giảm dần. Bên cạnh đó, do tác động của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, biến đổi khí hậu làm nguồn nước đổ về các con sông ít đi và Đồng bằng sông Cửu Long ít xuất hiện lũ trong vòng hơn 10 năm qua, ảnh hưởng đến sinh kế người dân trong vùng.
Để phát triển kinh tế sông, vùng ĐBSCL cần đầu tư hạ tầng phát triển giao thông thủy nội địa, như các bến cảng, bến thủy nội địa, nạo vét, khơi thông các luồng tuyến phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa kết hợp với du lịch; có kế hoạch sử dụng nguồn nước hiệu quả, hợp lý trong sinh hoạt, sản xuất; sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để giảm ô nhiễm nguồn nước.
Các địa phương chia sẻ thông tin, tăng cường liên kết bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt và nước ngầm; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các dịch vụ logistics ở các sông lớn và các dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Kênh Chợ Gạo là tuyến vận tải thủy quan trọng nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, sẽ được đầu tư nâng cấp để khai thác hết tiềm năng.
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, về hành lang vận tải, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của vùng; nâng cao thị phần vận tải container; trong đó, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối của vùng thông qua hành lang vận tải thủy chính là Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh-An Giang-Kiên Giang, hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu và hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Bên cạnh đó, tại khu vực đồng bằng, phát triển 13 cụm cảng hàng hóa đảm bảo tổng công suất hàng hóa thông qua ước tính đạt trên 53 triệu tấn/ năm, 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực thông qua ước tính đạt 31 triệu hành khách/năm. Hệ thống cảng chuyên dùng phát triển theo nhu cầu vận tải phục vụ trực tiếp và phù hợp với quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đóng mới phương tiện, chế biến nông lâm thủy sản.
Đối với phát triển đường thủy nội địa do địa phương quản lý, tại ĐBSCL, bố trí và phát triển cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy địa phương và cảng hành khách, cảng chuyên dùng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia trong quy hoạch tỉnh phù hợp với tổ chức không gian và phân vùng chức năng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch các cụm cảng.
Hữu Trung
Bình luận