Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 24/03/2023 03:03
TMO - Làng trầu Vị Thủy (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) được xem là làng trầu duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một trong hai làng trầu của miền Nam và cả nước có diện tích lớn và tồn tại lâu đời.
Hàng chục năm nay, làng trầu Vị Thủy được mệnh danh là vương quốc trầu lá với gần 40ha, tập trung nhiều ở ấp 5 và ấp 7 xã Vị Thủy. Hiện nay, chỉ riêng xã Vị Thủy đã có gần 200 vườn trầu, với tổng diện tích trên 32,5ha.Theo người dân địa phương, làng trầu ở Vị Thủy có hơn 50 năm và được người dân vùng đất này gìn giữ cho đến hôm nay, trở thành nét đặc trưng mỗi khi nhắc đến xã Vị Thủy.
Những nọc trầu được xếp thành hàng, tạo nên những vườn trầu bát ngát. Ảnh: Anh Lam.
Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích. Dọc theo con đường ở ấp 5, xã Vị Thủy, đi tới đâu cũng thấy những nọc trầu được xếp thành hàng, tạo nên những vườn trầu bát ngát. Nọc trầu thường cao khoảng 2m, được làm bằng cây tràm, khoảng 10 ngày thu hoạch 1 lần. Trung bình 1.000m2 đất sẽ trồng được khoảng 1.000 nọc trầu.
Người trồng trầu thường thu hoạch trầu vào lúc sáng sớm. Khi đến lứa hái, thợ hái trầu sẽ lựa những lá trầu bóng mượt, vừa chín tới vàng óng, số lá còn lại sẽ hái đợt tiếp theo. Trồng trầu phải làm giàn để hái lá trên cao, khi ngọn vượt khỏi giàn thì cắt bỏ…Người dân địa phương cho biết, trầu dễ trồng, lên rất nhanh và nhẹ công chăm sóc. Do là loại cho lá nên nếu đủ phân, nước, trầu sẽ cho thu hoạch sau 3 – 4 tháng. Đặc biệt trầu chỉ ưa các loại phân xanh (hữu cơ) có nguồn gốc tự nhiên, chứ không thích hợp các loại phân hóa học.
Trầu sau khi hái sẽ được xếp thành từng ốp trầu (40 lá). Ảnh: AL.
Muốn có được một ốp trầu (40 lá), người trồng phải trải qua nhiều công đoạn: mua hom giống, chọn cây làm nọc, khai mương, đơm gốc, tưới nước, hái trầu rồi xếp lại thành ốp gọi là liễn trầu tức xếp những lá trầu thành chục (chục có khi 10, có khi 16 hoặc 20…), sau đó xếp thành trăm trước khi giao cho thương lái.
Ngoài việc cải thiện đời sống của người dân, cây trầu còn góp phần đáng kể tạo việc làm cho lao động địa phương. Trung bình để chăm sóc 1ha trầu, đòi hỏi 3-5 lao động làm việc liên tục để tưới nước, bón phân, cắt cành... Khi thu hoạch khoảng cần 15 người hái trầu và sắp xếp lá trầu trước khi đem đi tiêu thụ.
Dự thảo Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã xác định việc khai thác các làng nghề theo hướng vừa phát triển du lịch, vừa giữ gìn nét văn hóa riêng. Tại làng trầu Vị Thủy, tỉnh sẽ tái hiện hoạt cảnh Sự tích Trầu Cau, trải nghiệm têm trầu theo nhiều phong cách, làm dịch vụ y học chữa bệnh với dược liệu từ cây trầu…
Lê Nam
Bình luận