Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 31/03/2023 04:03
TMO - Những giếng nước cổ của người Chăm tại xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị không chỉ gìn giữ nguồn nước mà nhiều năm nay còn trở thành một biểu tượng văn hoá, được người dân trân trọng.
Theo các nhà khảo cổ, hệ thống giếng cổ Gio An ra đời vào thời kỳ cuối thời đại đồ đá mới, cách đây khoảng 5.000 năm. Người ta cho rằng, nước của người Gio An xưa có 3 loại, tùy theo mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và môi nước (nguồn nước).
Thứ nhất, loại có cấu trúc với nhiều thành phần liên hoàn tạo thành hệ thống với các bể lắng, máng dẫn, bể hứng, các mương bên cạnh những hồ chứa, đập nước cùng tham gia vào quá trình lưu thông dòng chảy, đó là các giếng: Ðào, Trạng, Máng, Gai. Loại thứ hai có cấu trúc đơn giản, gồm một, hai thành phần với bể lắng và mương dẫn như giếng Ông (dành cho đàn ông tắm), giếng Bà (chỉ có phụ nữ tắm). Loại thứ ba như một giếng khơi được xây dựng ở ngay chân đồi, nơi có mạch nước ngầm, rồi thả những bi giếng được chế tác bằng đá chồng lên nhau tạo thành vách nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc tự dâng, tự chảy.
Giếng cổ Gio An là những công trình hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất; là di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá nghệ thuật độc đáo. Ảnh: H.Tuyết.
Trải qua hàng nghìn năm hình thành với bao thăng trầm lịch sử nhưng những chiếc giếng cổ Gio An chưa bao giờ cạn nước. Thay vào đó, dòng nước luôn mát lành và tuôn trào quanh năm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương và trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với Quảng Trị.
Hệ thống giếng cổ Gio An được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT ngày 13/3/2001. Các giếng cổ này đa phần nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Từ xưa đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ vẫn không bao giờ cạn và vẫn trong xanh và mát lạnh.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị, hệ thống giếng cổ Gio An hiện có 14 giếng cổ bao gồm: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn).
Các giếng cổ này đa phần nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Ảnh: ĐN.
Tỉnh Quảng Trị đang triển khai quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An, gồm 30 giếng xếp đá, trong đó có 14 giếng cổ đã được xếp hạng là di tích quốc gia. Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch lần này là nhằm bảo quản, giữ gìn hệ thống công trình khai thác nước cổ một cách bền vững trước những tác động của tự nhiên và xã hội; kết nối các công trình trong hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc biệt của địa phương và của tỉnh Quảng Trị.
Góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của địa phương, đặc biệt du lịch cộng đồng, đưa di tích vào các hoạt động du lịch vừa tạo nguồn thu cho hoạt động bảo tồn vừa nâng cao đời sống cho người dân trong vùng di sản. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của khách du lịch trong nước và quốc tế...
Hệ thống giếng cổ Gio An là sản phẩm văn hóa phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử, không chỉ ghi dấu ấn các lớp cư dân, mà còn thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, tính liên tục của một di sản văn hóa; minh chứng cho giá trị hữu dụng, bền vững vì mục đích phục vụ đời sống con người.
Minh Hòa
Bình luận