Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ hai, 13/05/2024 15:05
TMO - Cây đa cổ thụ nằm ở bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) mang lại nhiều bất ngờ cho bất cứ ai được nhìn thấy, bởi trên cây đa có hơn 100 tổ ong khoái làm mật. Nhờ vậy, người dân bản làng được hưởng lợi từ nguồn mật ong thiên nhiên này.
Cây đa cổ thụ ở bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, Điện Biên khiến nhiều người ngạc nhiên vì có hàng trăm tổ ong cho sản lượng hàng tấn mật mỗi vụ. Bản Huổi Lướng là một vùng rừng núi, xung quanh có nhiều cây gỗ lớn nhưng không rõ vì lý do gì, khoảng hơn 10 năm nay, cây đa này thu hút rất nhiều ong về làm tổ.
Lúc đầu thì chỉ có khoảng 20-30 tổ, càng về sau, số tổ càng nhiều lên, đến mức không đếm xuể. Năm nay, số lượng tổ ong mật trên cây là nhiều nhất trong các năm. Nhờ đàn ong mà bà con dân bản có thêm thu nhập từ việc bán các tổ ong trên cây cho thương lái lấy mật. Khi đến mùa ong làm mật, cả bản đều chung tay bảo vệ, không ai lấy cho riêng mình. Mật ong khai thác được sẽ mang bán và chia tiền cho tất cả các hộ trong bản.
Cây đa cổ thụ có lượng tổ dày đặc tại bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch (Mường Ảng, Điện Biên). Ảnh: TN.
Người dân ở đây ví cây đa này như “cây ong mật" bởi khắp thân, cành cây dày đặc những tổ ong khoái với hàng tấn mật ong rừng thơm ngon. Theo ngưởi dân bản địa, ong khoái thường kéo về cây đa cổ thụ xây tổ từ cuối năm. Đầu năm, khi mùa Xuân đến, cỏ cây đơm hoa kết trái, ong khoái sẽ đi lấy mật, xây tổ.
Trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, các tổ ong đều to cực đại, chứa đầy ắp mật. Tháng 7, tháng 8, chúng bắt đầu rời tổ, di cư đi nơi khác, bỏ lại tổ ong chỉ còn xác. Những xác tổ ong này sẽ rụng xuống đất và cuối năm chúng lại kéo về xây tổ. Mùa Xuân, lúc sáng sớm, hay chiều tối, đàn ong bay rợp trời nơi bản Huổi Lướng. Chúng di chuyển như những đám mây đen sì. Mỗi khi có con chim lao vào tổ ong, chúng dạt ra, cuồn cuộn như hình vẽ sống động trên bầu trời, rất đẹp mắt.
Quá trình khai thác mật ong tại cây đa cổ thụ. Ảnh: TN.
Cây đa cổ thụ của bản Huổi Lướng được ong làm tổ có kích thước rất to; chiều cao gần 50m, thân cây cũng phải 5 đến 6 người ôm mới vừa. Trong bản không ai biết cây đa này có từ bao giờ. Chỉ nghe người già truyền lại rằng, đây là cây đa có hàng trăm năm tuổi.
Theo người dân địa phương, năm trước trên cây có tất cả 90 tổ ong mật. Còn năm nay, vì chưa hoàn tất công việc khai thác nên chưa biết số lượng chính xác, nhưng áng chừng phải trên 130 tổ, số lượng tổ ong không thể đếm xuể, bởi khi đếm sẽ bị lẫn cành nọ sang cành kia. Sản lượng năm nay áng chừng được khoảng 1,7 - 2 tấn (tính cả tổ và mật). Cứ 1,7kg tổ ong sẽ vắt được 1 lít mật, nghĩa là sản lượng mật ong tính theo lít sẽ đạt khoảng hơn 1.100 lít. Hiện, loại mật này đang được người dân bán lẻ trên thị trường với giá khoảng 550.000 đồng/lít.
Dự kiến vụ ong năm nay sẽ thu được khoảng 1.100 lít từ các tổ ong trên cây đa cổ thụ. Ảnh: TN.
Người dân tại bản cho rằng, ong làm tổ tại cây đa này là ong khoái quan, một loài ong mật mà con người chưa thể thuần phục, hay bắt về nuôi lấy mật giống như ong khoái thông thường. Do đó, mật cho ra từ loài ong này tại cây đa cổ thụ là loại mật thuần tự nhiên, có hương vị thơm ngon khác biệt. Bên cạnh đó loài ong này tương đối khó tính. Khi khai thác, thợ khai thác phải để lại một phần tổ để ong tiếp tục phát triển nhưng chỉ có một số ít tổ là được ong tiếp tục phát triển, trong khi phần lớn các tổ ong đã được khai thác ong đều bỏ đi hết. Do đó, mỗi vụ, mỗi tổ hầu như chỉ khai thác được một lần.
Ngoài lợi ích về kinh tế, đối với người dân bản Huổi Lướng (Xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên), ai cũng xem cây đa này như biểu tượng của sự may mắn. Bởi thế, mỗi lần đi qua khu vực này, người dân đều đến gốc đa cầu mong mọi sự may mắn, bình an đến với bản thân, gia đình.
Thu Hương
Bình luận