Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 29/03/2025 18:03
Thứ tư, 26/03/2025 07:03
TMO - Từ những cây nứa đơn giản, dưới đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo, hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được người dân xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có nhiều nghề truyền thống, tiêu biểu như: sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá; thêu ren, làm nón, xã Yên Trung;… Trải qua hàng trăm năm, tinh hoa văn hóa trong các làng nghề truyền thống của Nam Định vẫn luôn được các thế hệ người dân kế thừa và phát triển trong đời sống hôm nay.
Đặc biệt, hơn 600 năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, những người dân ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên) vẫn cần mẫn, lưu giữ nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây nứa. Theo người dân làng nghề tại Yên Tiến, việc tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đòi hỏi người thợ phải vô cùng khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì.
Tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Trước đây, sơn mài được làm trên chất liệu gỗ. Tuy nhiên, với sự sáng tạo và thích ứng với thị trường, người dân làng nghề đã phát triển và ứng dụng thành công kỹ thuật trên cốt liệu là cây nứa. Nứa sau khi ngâm nhiều tháng dưới nước được vớt lên phơi khô rồi gia công. Mỗi đoạn nứa sẽ được chẻ thành những nan nhỏ và tách bỏ những phần ruột, cuống thừa.
Sau đó mới dùng máy cán cho nan nứa mềm hơn để xếp thành vòng tròn lần lượt theo kích thước, dập theo khuôn có sẵn để ra sản phẩm thô và tiếp tục mang ra phơi nắng. Ngày nay, để đầu ra các sản phẩm được thuận lợi, các hộ dân làm nghề ở xã Yên Tiến sẽ phụ trách làm công đoạn thô, sau đó chuyển đến các cơ sở lớn trên địa bàn để hoàn thiện phần sơn mài. Ở các cơ sở sẽ làm những bước cuối cùng để ra sản phẩm hoàn hiện, trong đó tỉ mỉ nhất là công đoạn sơn.
Loại sơn thường sử dụng là các loại sơn công nghiệp, sơn hạt điều, sơn Nhật, sơn PU... Nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc nên rất nhiều công đoạn thủ công đã được thực hiện bằng máy giúp người dân làng nghề có thể sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn, giá thành giảm mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Mỗi sản phẩm làm từ nứa hoàn chỉnh có giá khác nhau, tùy vào kích thước và mẫu mã. Nhờ nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu thị trường, những người thợ ở làng nghề Yên Tiến ngoài sản xuất những sản phẩm truyền thống là bát, âu, đĩa, khay, lọ… còn mạnh dạn thử nghiệm một số sản phẩm mới như thìa, dĩa với chất liệu từ gỗ và các loại sản phẩm: lộc bình sơn khảm vỏ trứng, vẽ hoa văn trên các sản phẩm gốm, sứ hoặc tạo ra những sản phẩm có bề mặt ngoài sơn bằng nhũ bóng…
Nhiều sản phẩm mỹ nghệ của các làng nghề đã xuất sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... Hiện nay, xã Yên Tiến có hàng nghìn hộ tham gia sản xuất thủ công, nhận khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khác. Nhờ phát triển nghề truyền thống đã mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhận thấy tiềm năng từ nghề thủ công từ tre, nứa, có thể trở thành động lực phát triển kinh tế, thời gian qua, chính quyền xã Yên Tiến đã tạo mọi cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Cũng từ đây, nhiều HTX, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tre nứa được thành lập, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, không chỉ giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, mà còn giúp các sản phẩm làm từ tre, nứa của làng quê Yên Tiến vươn ra thế giới.
Quỳnh Hoa
Bình luận