Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ sáu, 29/03/2024 14:03
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.100ha cây trồng bị ảnh hưởng trước tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn cấp nước bị sụt giảm cục bộ.
Theo thống kê từ ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng mưa trung bình trên địa bàn toàn tỉnh đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn. Mực nước trên các sông suối đang giảm dần, nhất là các suối nhỏ đang giảm mạnh. Gây khó khăn cho tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu hụt nguồn nước tưới tiêu ở mức trung bình đến cao. Trong khi đó, hiện nay, người dân vẫn phụ thuộc vào các ao hồ, sông suối để lấy nước tưới vườn, rẫy nhưng nay nguồn nước này gần như cạn kiệt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nếu hạn hán xảy ra, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ cần khoảng trên 63 tỷ đồng.
Nhiều ha trồng cà phê tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra hiện tượng héo do thiếu nguồn nước tưới. Ảnh: BLĐ.
Để ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn trong thời gian cao điểm mùa khô 2024, huyện Đức Trọng đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, kết thúc việc gieo trồng vụ Đông Xuân, tổng diện tích gieo trồng trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện ước 32.250 ha, đạt 47,36% kế hoạch cả năm và đạt 110% cùng kỳ năm 2023, trong đó: Lúa 700 ha, bắp 160 ha, khoai lang 260 ha, rau 9.200 ha và hoa 600 ha.
Toàn huyện hiện có 39 công trình thủy lợi, trong đó, 30 hồ đập chứa nước, 6 trạm bơm và 3 công trình nước tự chảy phục vụ sản xuất nông nghiệpthời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương tại huyện Đức Trọng đã chủ động xây dựng và triển khai ứng phó với hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2024 với nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán, hiện trạng các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt nông thôn, kế hoạch sản xuất nông nghiệp để chủ động điều chỉnh cơ cấu cây trồng sang loại cây ít dùng nước, giảm diện tích sản xuất, thay đổi lịch thời vụ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chủ động sử dụng các nguồn cấp nước khác ngoài công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, nhất là đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn; điều tiết bổ sung nước giữa các công trình;
Được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước chống hạn nếu tiếp tục không có mưa. Mùa khô năm 2024 diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 12/2023 đến nay, trên địa bàn huyện không có mưa dẫn đến mực nước tại các sông, suối và hồ chứa đều xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài sẽ khiến hơn 335 ha cây trồng như sầu riêng, chè, hồ tiêu và cao su của người dân thuộc các xã Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Phước Lộc, Hà Lâm và thị trấn Đạ M’ri lâm cảnh thiếu nước. Địa phương đang tuyên truyền vận động người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm; tăng cường nạo vét ao hồ đảm bảo nguồn nước chống hạn cho cây trồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà, hiện nay, trên địa bàn các xã, thị trấn đang chịu ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, nhất là một số khu vực xa sông, suối tự nhiên, khu vực không có và khu vực xa hệ thống kênh tưới thủy lợi đang bị thiếu nước tưới cho cây trồng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Đối với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là diện tích trồng cây cà phê) bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới khoảng 1.530 ha (chiếm 2,7% tổng diện tích gieo trồng 58.767 ha). Dự báo, nếu số ngày nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 4, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước tưới tiếp tục tăng thêm khoảng 1.830 ha.
Địa phương này đang triển khai áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, thu gom rác phụ phẩm nông nghiệp để tụ gốc cây nhằm giữ ẩm và hạn chế thoát hơi nước. UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành thủy lợi, công ty thủy điện trên địa bàn xây dựng và triển khai phương án điều tiết, phân phối nguồn nước nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới cho cây trồng, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí nước; đồng thời nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước.
Người dân sử dụng máy bơm túc trực để bơm nước tưới cho cây cà phê, mặc dù các sông, suối trên địa bàn tỉnh đang dần cạn. Ảnh: BLĐ.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác chống hạn mùa khô 2024. Tổ chức, theo dõi chặt chẽ, diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán để kịp thời hướng dẫn người dân chủ động tích trữ, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí nước; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục, phục vụ nhu cầu sản xuất và các nhu cầu thiết yếu khác.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc chủ động triển khai thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biễn và tình hình thực tế của từng thời điểm, từng địa bàn. Chủ động rà soát, bố trí ngân sách địa phương, nguồn được phân cấp để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, nạo vét, khơi thông dòng chảy, các tình huống chống hạn phát sinh; kịp thời cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành công trình đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh vận hành linh hoạt các hồ chứa; tổ chức nạo vét, nâng cấp kênh mương, hồ đập để khai thác nguồn nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành đảm bảo sử dụng tiết kiệm nước; kịp thời đề xuất giải pháp cấp nước phù hợp với điều kiện và tình hình sản xuất nông nghiệp, thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước tiếp tục có nguy cơ thiếu hụt trong mùa khô năm 2024 nhằm đảm bảo nguồn cung nước phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, mực nước tại các công trình hạ tầng kỹ thuật để chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình, UBND cấp xã trực thuộc, phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành công trình để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó theo thẩm quyền.
Trong đó, huyện Lâm Hà chủ động làm việc cùng các nhà máy thủy điện để thống nhất thời gian, lưu lượng điều tiết xả nước về hạ du nhằm cấp nước kịp thời cho sản xuất nông nghiệp, nhà máy thủy điện Tà Nung hiện chưa đảm bảo dòng chảy tối thiểu ra môi trường. Huyện Di Linh sớm khảo sát, lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đối với các dự án xây dựng mới hồ chứa nước thôn 3 xã Gia Hiệp, hồ Tam Bố, nạo vét hồ Thanh Bạch, hồ Long Kul, nạo vét tuyến suối dẫn từ hồ Ka La về cấp nước bổ sung cho hồ Thanh Bạch. Từ đó chủ động bố trí ngân sách địa phương theo phân cấp nhằm kịp thời thực hiện các dự án, trường hợp vượt thẩm quyền của địa phương thì tổng hợp báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Tại huyện Bảo Lâm, đối với tình trạng thiếu nước cục bộ tại các khu vực xã Lộc Bắc, Lộc Phú cần thực hiện các giải pháp như khoan giếng, vận động nhân dân chủ động trong việc đa dạng hóa hình thức cấp nước, sản xuất tại các khu vực này... Huyện Cát Tiên tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các nhà máy thủy điện phía thượng lưu để thống nhất đảm bảo thời gian, lưu lượng xả nước về các trạm bơm thủy lợi phía hạ du để vận hành trạm bơm hợp lý, tiết kiệm nước.
Vũ Hằng
Bình luận