Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ sáu, 23/06/2023 07:06
TMO - Điện Biên là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, núi cao, sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên tình hình thiên tai diễn ra rất phức tạp và bất thường. Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đã triển khai nhiều phương án, giải pháp cụ thể, để ứng phó kịp thời.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên tình hình thiên tai, sự cố diễn biến bất thường, xảy ra không theo quy luật, rất phức tạp và ngày càng cực đoan trước sự tác động của biến đổi khí hậu, gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2022 thiên tai đã làm 9 người chết, 4 người bị thương, gần 700 ngôi nhà và trên 1.400 ha nông nghiệp bị thiệt hại; gần 1.500 con gia súc, gia cầm bị chết. Về thủy lợi: trên 35.500 m3 đất đá sạt lở vùi lấp kênh; gần 5.200m kênh bị sạt gãy, vùi lấp hư hỏng…Ước thiệt hại khoảng gần 193 tỷ đồng.
Triển khai hoạt động khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn xã hội hóa hơn 33 tỷ đồng, nguồn Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh hỗ trợ trên 11 tỷ đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ 136 triệu đồng cho các gia đình bị thiệt hại do dông lốc, sạt lở đất.
Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai đặc biệt là mưa lũ gây sạt lở đất... được các ngành chức năng tỉnh Điện Biên chú trọng.
Từ đầu năm 2023 tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai rét đậm, rét hại, mưa đá, gió lốc, sét, hạn hán gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn các huyện Tủa Chùa, Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ làm 185 nhà bị tốc mái, trên 45 ha lúa bị hạn hán, mưa đá, gần 1.490 ha ngô, rau màu bị mưa đá, gió lốc… ước tổng thiệt hại khoảng 5,2 tỷ đồng. Thực tế này đòi hỏi địa phương cần phải xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngay từ đầu năm, các cấp, ngành chức năng đã chủ động kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Với phương châm “phòng là chính”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó thiên tai của người dân và cộng đồng.
UBND tỉnh chỉ đạo các chính quyền cấp huyện triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Hiện nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều đã kiện toàn lực lượng xung kích; 129/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai.
Sở Công Thương thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác PCTT&TKCN, tổ chức cung ứng kịp thời, phục vụ nhân dân, không để thiếu hàng hóa khi có thiên tai xảy ra. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 37 tỷ đồng; Sở Y tế đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng. Tại Trung tâm Y tế cấp huyện chuẩn bị sẵn 5 cơ số thuốc, có 1 - 2 đội chống dịch cơ động và 1 đội cấp cứu lưu động. Đối với các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, công tác chuẩn bị y tế được tổ chức tại các trạm y tế cấp xã và phòng khám đa khoa khu vực. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo, tổ chức diễn tập ứng phó lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và xã.
Xây dựng lực lượng sẵn sàng ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên thực hiện. Ảnh: HH.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng. Công tác quản lý, vận hành đảm bảo đúng quy trình và chủ động phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ. Để đảm bảo an toàn hồ đập, trước mùa mưa các đơn vị vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp phòng chống bão lụt và đảm bảo an toàn hồ đập với chính quyền cấp huyện, xã và các lực lượng: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Các bên thống nhất phương án đảm bảo an toàn mùa mưa lũ phù hợp với tình hình thực tế từng hồ đập, sẵn sàng lực lượng ứng phó với những diễn biến bất thường, gây mất an toàn, không để bị động, bất ngờ. Trước mùa mưa, các đơn vị rà soát, đánh giá tình trạng các hồ chứa nước, nhất là các công trình đầu mối quan trọng để sửa chữa, khắc phục kịp thời những hư hỏng, xuống cấp và chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu, vật liệu dự phòng trước, trong mùa mưa lũ.
Các biện pháp phòng chống thiên tai ở Điện Biên phải là biện pháp tổng hợp, liên kết với nhau, cần được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tình hình thiên tai hằng năm. Việc xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng chống thiên tai phải đảm bảo tính chủ động và nâng cao hiệu quả giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tiến tới hạn chế những nguyên nhân phát sinh thiên tai, giảm mức độ nguy hiểm của thiên tai.
Đặc biệt, lực lượng phòng, chống thiên tai tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình; xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng; vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai; khu vực dễ bị chia cắt... Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thu Quỳnh
Bình luận