Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ sáu, 08/09/2023 14:09
TMO - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được xác định là một trong những nhiệm vụ chỉ đạo trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, địa phương này chú trọng đến nâng cao chất lượng, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Điện Biên, thông qua chương trình OCOP tại các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đều gắn với lợi thế đất, khí hậu riêng từng huyện, từng xã. Vì vậy, thường là sản phẩm OCOP địa bàn nào sẽ được đặt tên gắn với địa danh nơi vùng sản xuất sản phẩm đó, như: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, cà phê Mường Ảng, chè shan tuyết Tủa Chùa; gạo tám thơm Điện Biên; gạo séng cù Điện Biên…
Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh Điện Biên có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao. Tuy nhiên, có 26 sản phẩm hết hạn chứng nhận sản phẩm OCOP nên các chủ thể đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận lại sản phẩm OCOP. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc sản của Điện Biên đến với người tiêu dùng.
Huyện vùng cao Tủa Chùa đẩy mạnh xây dựng và giữ vững thương hiệu trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa.
Tại huyện vùng cao Tủa Chùa có các sản phẩm OCOP gồm trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và trà xanh Shan tuyết Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP (cuối năm 2019), sản phẩm chè Shan Tuyết Tủa Chùa (Diệp thanh trà) không chỉ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn tạo điều kiện để du lịch địa phương phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm với rừng chè cổ thụ hơn 8.000 cây. Ngoài tham quan, du khách còn được trải nghiệm hái chè cổ thụ - nét hấp dẫn riêng của vùng cao Sín Chải (huyện Tủa Chùa).
Những năm gần đây, bà con xã vùng cao Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông đã chuyển sang trồng bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bí ở Tìa Dình không được trồng thành vườn, thành giàn mà để bò lan tự nhiên dưới mặt đất, xen canh với nhiều loại cây trồng khác. Sau khi thu hoạch, các hộ gia đình bán trực tiếp tại vườn cho hợp tác xã với giá tương đối ổn định từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Thực tế cho thấy, nếu so sánh với các loại cây trồng khác như ngô, lúa nương, sắn…trên cùng một đơn vị diện tích thì bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 - 3 lần. Giống bí xanh Tìa Dình là loại bí ruột đặc, quả chắc và ăn rất thơm, dễ bảo quản, phù hợp với việc vận chuyển đi xa. Đây cũng là yếu tố thuận lợi trong khâu vận chuyển, bảo quản sản phẩm phân phối đi các tỉnh....Năm 2021, sản phẩm bí xanh Tìa Dình đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Cây bí xanh trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương này.
Các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, người dân tin tưởng lựa chọn, sử dụng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện việc phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều sản phẩm OCOP mang tính thời vụ, chưa qua chế biến nên thời gian bảo quản, tiêu thụ ngắn, khó mở rộng được thị trường tiêu thụ; Mẫu mã, nhãn mác bao bì sản phẩm còn đơn sơ chưa hấp dẫn được người tiêu dùng. Cùng với đó, đa số các chủ thể chưa chủ động xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; mẫu mã, nhãn mác bao bì sản phẩm chưa hoàn thiện; chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm; thiếu chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng…
Các sản phẩm OCOP đặc trưng như bí xanh Tìa Dình được địa phương đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ.
Nhằm tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài nước, Sở Công Thương tỉnh đã chủ động tìm kiếm đối tác cho các chủ thể OCOP bằng cách kết nối trực tiếp với các nhà phân phối có nhu cầu về sản phẩm của tỉnh để hai bên trao đổi thông tin, tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đăng ký cho các doanh nghiệp OCOP của tỉnh tham gia gian hàng Việt trực tuyến và xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Triển khai phiên chợ thương mại biên giới tại huyện Nậm Pồ với sự tham gia của 19 doanh nghiệp, thương nhân tỉnh Điện Biên (trong đó có 4 chủ thể OCOP) và các huyện của tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào). Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các hội chợ thương mại tại Lào; hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại trong nước; tham gia các diễn đàn xúc tiến xuất khẩu và các hội nghị trực tuyến về công tác xúc tiến thương mại khác. Đồng thời quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại điện tử... Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, hiện nay, Sở Công Thương đang xây dựng “Điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền”; đây là đầu mối gặp gỡ trao đổi giao thương với người tiêu dùng trong nước và quốc tế về sản phẩm OCOP.
Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2030 có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp được công nhận OCOP và phát triển bền vững. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng sản phẩm Điện Biên phát triển số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; mỗi sản phẩm OCOP được công nhận góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thị trường trong nước, quốc tế.
Thời gian tới, địa phương này đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể như tạo điều kiện để phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh thương mại theo quy mô hộ kinh doanh cá thể; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh như: Chè, cà phê, gạo Điện Biên,… đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại và thương mại điện tử quốc gia và địa phương năm 2023, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; Vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Lê Trang
Bình luận