Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ bảy, 25/11/2023 04:11
TMO - Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch bệnh tả lợn châu Phi gia tăng vừa qua có nguyên nhân do không có kiểm dịch nội tỉnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, khoảng 27.000 cơ sở, giết mổ tập trung được hơn 460 cơ sở.
Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm. Tính đến ngày 23/11, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát và lây lan rộng ra 22 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị ở tỉnh Quảng Trị với số lợn bệnh, tiêu hủy gần 880 con có tổng trọng lượng trên 41 tấn. Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát và lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức tốt biện pháp phòng chống, còn tình trạng giấu dịch, bán lợn bệnh, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo cáo cơ quan chức năng. Đợt mưa lũ tháng 10 và giữa tháng 11/2023 tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh, nhất là xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Tiền Giang có 53 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 2.127 con ở 12 xã của 8/11 huyện, thị và thành phố bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Riêng các huyện Tân Phú Đông, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy chưa phát hiện lợn bị dịch tả châu Phi. Trong đó có 1.158 con lợn bệnh, chết và bị tiêu hủy, chiếm tỉ lệ 54,44%. Tại "điểm nóng" xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo đã công bố dịch bệnh trên toàn xã và có 40 hộ nuôi lợn bị dịch tả châu Phi ở 6/6 ấp, có 843 con lợn bệnh, chết đã được tiêu hủy, chiếm hơn 50% tổng đàn có heo bệnh. Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 300.000 con lợn. Trước bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi cần cộng đồng trách nhiệm, chủ động các biện pháp phòng chống hiệu quả để bảo vệ thành quả của người chăn nuôi và cung cấp lượng thịt cho nhu cầu của người dân, nhất là cao điểm dịp Tết cổ truyền sắp tới.
Xử lý môi trường khu vực chăn nuôi, hạn chế nguy cơ phát sinh mầm bệnh được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 21/11 cả nước xảy ra 576 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 530 xã của 44 tỉnh, thành phố. Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 24.218 con. Hiện nay, cả nước còn 125 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 28 tỉnh, thành phố vẫn chưa qua 21 ngày, số lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy tại các địa phương này là 7.327 con. Dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra nặng nhất tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Quảng Bình, Sơn La, Bình Phước... Từ tháng 8 đến nay, dịch bệnh tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng và dự kiến tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo Cục Thú y, các ổ dịch vừa qua chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, vệ sinh chuồng trại kém. Hệ thống thú y cấp tỉnh và cấp huyện hiện rất lỏng lẻo, không bảo đảm nguồn lực triển khai phòng, chống dịch bệnh do các địa phương sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Có hiện tượng giấu dịch, chậm báo cáo dịch, bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết.
Nhiều địa phương, người chăn nuôi chưa quan tâm, sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt. Nguyên nhân do mới được phép sử dụng rộng rãi từ tháng 7/2023, các địa phương chưa có kế hoạch; vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa nằm trong Danh mục phải tiêm phòng bắt buộc. Giá thành vaccine còn tương đối cao, khoảng 40.000 đồng/liều với vaccine của Công ty cổ phần thuốc thú y trung ương Navetco và khoảng 60.000 đồng/liều với vaccine của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam.
Về nguồn cung vaccine, Cục Thú y cho biết, Công ty Navetco và Công ty AVAC đã sản xuất được 4,5 triệu liều. Tổng số 2 công ty đã cung ứng, sử dụng trên 1,6 triệu liều tại hơn 40 tỉnh, thành phố; riêng từ tháng 7/2023 đến nay đã sử dụng 450.000 liều tại khoảng 30 tỉnh, thành phố. Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ngày 16/11/2023, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành Công điện số 1097/CĐ-TTg "về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi" chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành liên quan và các thành viên BC QG phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cục Thú y đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cục Thú y đang rà soát, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ sung bệnh dịch tả lợn châu Phi phải phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine; đồng thời tham mưu, chỉ đạo các địa phương có kế hoạch sử dụng vaccine cho đàn lợn thịt. Cục báo cáo, đánh giá, công khai kết quả sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương để người dân yên tâm sử dụng. Cục Thú y đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn nái, đực giống; trao đổi với các doanh nghiệp hướng giảm giá thành vaccine.
Các hộ chăn nuôi theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, chủ động phòng ngừa nguy cơ bùng phát, lây lan diện rộng dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Các chuyên gia cho rằng: Để phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, các địa phương cần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định. Bố trí nguồn lực thực hiện ngay việc rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng các bệnh cho vật nuôi ở những địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt hơn 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc-xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, có cách thức ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh. Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Mạnh Dũng
Bình luận