Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ sáu, 01/04/2022 20:04
TMO – Tây Nguyên giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và còn có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khoáng sản, tài nguyên khí hậu (ôn đới, á nhiệt đới) và hệ động, thực vật để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Tuy có nhiều lợi thế về mặt tự nhiên, tạo tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, khu vực Tây Nguyên cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong bài toán phát triển kinh tế-xã hội.
Thực trạng phát triển của sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực trong những năm qua tại khu vực Tây Nguyên cho thấy sự phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên. Điều này khiến cho việc xuất khẩu không ổn định, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều, do đó còn gặp phải nhiều hàng rào thương mại mang tính kỹ thuật, chống bán phá giá, điều khoản bảo đảm đặc biệt,… sẽ trở thành rào cản chủ yếu trong thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên trong những năm tới.
Cà phê, cao su, tiêu, điều… là những sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên, tuy đang đứng đầu hoặc trong nhóm hàng đứng đầu thế giới nhưng vẫn bị phụ thuộc vào sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới. Trong những năm gần đây, mặc dù khoảng cách về giá các sản phẩm chủ lực giữa Việt Nam và thế giới được thu hẹp dần do chất lượng hàng hóa tăng lên, nhưng giá hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng luôn thấp hơn giá xuất khẩu của thế giới.
Điều là một trong những cây chủ lực của vùng Tây Nguyên.
Thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ lực không ngừng được mở rộng trong thời gian gần đây, tuy nhiên, một số mặt hàng còn phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường hoặc khu vực thị trường, như: mặt hàng cao su phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, mặt hàng cà phê phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Khi những thị trường này có biến động, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng của Tây Nguyên.
Về mặt chất lượng, chất lượng của sản phẩm chủ lực được xuất khẩu tuy đã có những cải thiện nhưng các tiêu chuẩn có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn nói chung vẫn ở mức thấp. Chẳng hạn, theo nguồn tư liệu của FAO, chất lượng cà phê của Việt Nam có vấn đề về nấm Ochratoxin (OTA), khiến cho nhiều lô cà phê bị từ chối khi đến cảng. Bên cạnh đó, sản phẩm cà phê xuất khẩu còn chưa đồng đều, màu sắc, tỷ lệ hạt chấm đen vẫn còn khá cao. Cà phê Robusta Việt Nam được khách hàng châu Âu ưa chuộng trong khâu rang xay, đấu trộn nhưng vì đơn điệu, nghèo nàn nên cũng kém hấp dẫn. Chủng loại trong từng mặt hàng nông sản chưa phong phú, đa dạng. Các mặt hàng như cao su, cà phê,… chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm và thương hiệu chung cho cả vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận, tiếp thu công nghệ của nông dân và cách doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp hiện đang là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên. Thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất - chế biến; thiếu sự liên kết chặt chẽ “4 nhà”. Mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng nông sản chưa được xác lập bền vững trên cơ sở xử lý hài hòa, cân bằng các lợi ích. Do đó, thiếu sự gắn kết với chế biến, tiêu thu và xuất khẩu, kéo theo việc xuất khẩu bị động, chưa tìm kiếm được những thị trường ổn định. Tỷ lệ hàng nông sản tiếp cận những thị trường lớn có sức mua cao như Mỹ, EU và Nhật Bản còn thấp, do tính cạnh tranh cao, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt của các thị trường này.
Trong xây dựng chuỗi giá trị, còn nhiều hạn chế đó là: chi phí đầu vào quá cao do lạm dụng phân bón, nước và thuốc bảo vệ thực vật; chất lượng hiệu quả sản xuất thấp do sản xuất manh mún, quy trình kỹ thuật sai, chất lượng không đồng đều; chi phí sau thu hoạch cao do giao dịch qua nhiều khâu trung gian, thiếu kho chứa bảo đảm tiêu chuẩn và vận chuyển, đóng gói còn kém. Đặc biệt là khó khăn về nguồn lao động có kĩ thuật, giống, vùng nguyên liệu đạt chuẩn, về vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Trình độ, kĩ năng canh tác, ý thức pháp luật, tác phong công nghiệp - sản xuất lớn của đa số nông dân trong vùng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thiếu áp dụng công nghệ và quản trị hiện đại vào sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc chi phí đầu vào cao mà sản xuất kém hiệu quả, bảo quản sau thu hoạch tốn kém mà chất lượng sản phẩm lại thấp; thiếu thương hiệu và thông tin thị trường.
Đến nay, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của ngành Nông nghiệp vẫn đang diễn ra khá phổ biến, trong khi việc thu gom, trung chuyển ra thị trường và các trung tâm sản xuất lớn đều do các thương lái thực hiện. Kéo theo đó không chỉ xuất hiện hàng loạt những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực kho vận có quy mô nhỏ, lẻ hoạt động rời rạc, thiếu những trang thiết bị chuyên dụng, thiếu công nghệ, dẫn đến tổn thất về cả lượng và chất, mà còn tạo ra sự cô lập giữa người sản xuất với thị trường. Từ đó dẫn tới nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp lớn, đang đồng hành cùng nông dân nghèo, sản xuất nhỏ ở vùng sâu, vùng xa.
(Còn nữa)
Phụ trách Chuyên đề: Gia Kiệt
Thực hiện: Đức Nam – Uyên Ninh
[Để Tây Nguyên cất cánh]: Mảnh đất nhiều tiềm năng, lợi thế (Bài 1)
[Để Tây Nguyên cất cánh]: Lấy tiềm năng làm mũi nhọn phát triển kinh tế (Bài 2)
[Để Tây Nguyên cất cánh]: Tạo sức hút đầu tư trong và ngoài nước (Bài 3)
Bình luận