Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ hai, 28/03/2022 20:03
TMO – Những năm gần đây, các địa phương vùng Tây Nguyên đã có những giải pháp đột phá, tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp; chuyển dịch mô hình phát triển nông lâm nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội.
Trong những năm qua, nhiều công trình thủy lợi đã được địa phương quan tâm đầu tư phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng Tây Nguyên, nhất là ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn vùng có khoảng 2.400 công trình thủy lợi. Trong số này, có một số công trình lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đã được đầu tư xây dựng, như: Dự án hồ Đạ Lây, hồ Ka La, Đắk Lông Thượng (tỉnh Lâm Đồng); hồ Ia Ring, Ia MLá, Ia Mơ (tỉnh Gia Lai); hồ Ea Suop Thượng, Krông Buk Hạ, Krông Pach Thượng ( tỉnh Đắc Lắc)…
(Ảnh minh họa)
Nhờ được quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ Trung ương cùng với sự nỗ lực, chủ động chính quyền các địa phương, nhất là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nên các tỉnh Tây Nguyên đã đổi thay rõ rệt về hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, các tỉnh trong vùng đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà vùng có thế mạnh, như: Chế biến nông lâm sản theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khai thác năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); du lịch sinh thái-văn hóa…
Nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên ngày một tăng, cả 5 tỉnh trong vùng đều quy hoạch và xây dựng được khu công nghiệp tập trung; phần lớn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều có cụm công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho số lượng đáng kể lao động tại chỗ của địa phương. Đáng chú ý, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước đối với các tỉnh trong vùng đều tăng mạnh, ngay cả với các tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắk Nông, Kon Tum.
Tại Gia Lai (vùng lõi) của Tây Nguyên hiện đã hình thành và đi vào khai thác hiệu quả các khu công nghiệp như: Nam Pleiku, Khu công nghiệp tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, các cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố… để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tỉnh Gia Lai đã tập trung thực hiện những đột phá quan trọng, gồm: Đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng tái tạo; hình thành các vùng nguyên liệu để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư tham gia phát triển công nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm nông lâm nghiệp; đẩy mạnh phát triển du lịch, bởi tỉnh có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này.
Gia Lai cũng là một trong những tỉnh tiên phong trong vùng về triển khai các dự án điện mặt trời; đến nay đã có trên 20 nhà đầu tư đăng ký 33 dự án điện mặt trời. Các dự án năng lượng tái tạo có quy mô tổng cộng khoảng 7.000 MW, được coi là động lực lớn cho sự phát triển của Gia Lai. Còn với tỉnh Đắk Nông, riêng tại huyện Cư Jút, đã có hai dự án nhà máy điện mặt trời công suất lớn được xây dựng. Theo đánh giá của lãnh đạo các địa phương và các nhà đầu tư, phát triển điện mặt trời, điện gió là hướng đi có tính đột phá, mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với sản xuất nông lâm nghiệp, nhất là ở những địa phương nghèo, đất đai khô cằn, nhưng giàu tiềm năng về nắng và gió.
(Còn nữa)
Phụ trách Chuyên đề: Gia Kiệt
Thực hiện: Đức Nam - Uyên Ninh
[Để Tây Nguyên cất cánh]: Mảnh đất nhiều tiềm năng, lợi thế (Bài 1)
[Để Tây Nguyên cất cánh]: Lấy tiềm năng làm mũi nhọn phát triển kinh tế (Bài 2)
Bình luận