Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Chủ nhật, 27/03/2022 09:03
TMO - Tây Nguyên có tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai (toàn vùng có 2 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp); có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý khá thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao.
Theo đó, hiện toàn vùng có gần 610.000ha cà phê (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); hồ tiêu có 90.000 ha (chiếm hơn 60%); điều có 83.000 ha (chiếm 28%); cao su hơn 250.000ha (chiếm 26%); bơ có 2,8 nghìn ha (chiếm hơn 82%); sầu riêng có 12,6 nghìn ha (chiếm 34%); vùng rau, hoa tại Lâm Đồng có hơn 30% diện tích được sản xuất theo hướng công nghệ cao... Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung một số sản phẩm chủ lực, là vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước, đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm.
Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu chuyển dịch mô hình phát triển nông lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ vậy, giai đoạn 2012-2021, nông nghiệp Tây nguyên tiếp tục duy trì được tăng trưởng khá, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản vùng Tây Nguyên tăng bình quân 6,5% (giai đoạn 2006-2010 tăng 5,21%). ời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm.
Ngoài cây cà phê, bơ cũng là một trong những cây chủ lực phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng giúp người dân Tây Nguyên nâng cao thu nhập, làm giàu.
Tại tỉnh Đắk Lắk, trong hơn 10 năm (2010-2021), tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 8,48% năm; quy mô, chất lượng nền kinh tế tiếp tục được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2020 ước khoảng 62.500 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2015, tăng 2,04 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 22,46 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 54,21 triệu đồng. Tỉnh đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm của Tây Nguyên và là tỉnh đứng đầu khu vực...Còn tại tỉnh Gia Lai, nhờ triển khai chủ động, sáng tạo nên kinh tế của địa phương này cũng có nhiều khởi sắc.
Với phương châm “Vượt qua thách thức, tạo động lực, đột phá…”, trong những năm qua, đặc biệt năm 2020, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng đều đạt và vượt so với kế hoạch; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những năm qua, việc phát triển nông nghiệp tại một số địa phương vùng Tây Nguyên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ yếu dừng ở khâu sản xuất và sơ chế thô. Đặc biệt, việc người dân phát triển ồ ạt, tự phát một số cây công nghiệp lợi thế kinh tế trước mắt (cà phê, hồ tiêu…) đã phá vỡ quy hoạch, dẫn đến nhiều hệ lụy về KT-XH, môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững, nhất là khi năng suất và giá bán cà phê, hồ tiêu, mủ cao su… giảm mạnh, cùng những tác động bất lợi do thời tiết khí hậu diễn biến cực đoan.
Các chuyên gia cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên, gắn với thế mạnh của từng vùng theo hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, cần có chiến lược phát triển bền vững cây công nghiệp, từng bước đưa Tây Nguyên thành vùng trọng điểm cây ăn quả của cả nước, tạo thế mạnh mới của nông nghiệp Tây Nguyên.
Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk là một trong những vùng cà phê nổi tiếng và từng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng cà phê rớt giá. Tuy nhiên, mấy năm gần đây kinh tế của huyện đã tìm được hướng đi mới, hiệu quả, bền vững hơn, bằng việc trồng xen cây sầu riêng, cây bơ… vào các vườn cà phê. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày xã có hàng chục xe container đến nhập hàng. Người dân địa phương cho biết, mấy năm nay, ông và các nhà vườn ở địa phương trúng mùa lớn. Mỗi mỗi hécta trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê cho thu nhập bình quân hơn 700 triệu đồng/năm. Cây bơ, sầu riêng trồng xen lại trở thành cây chủ lực. Hướng đi bền vững được các hộ dân triển khai là trồng, chăm sóc sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; cây kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường.
Tỉnh Đắc Lắc đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP. Các mô hình còn lại đang đẩy mạnh sản xuất để duy trì nguồn hàng ổn định nhằm hướng đến kết nối theo chuỗi với các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị. Tỉnh cũng đã chuyển gần 6.000ha trồng cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Với quan điểm “thay đổi để thích nghi”, Tây Nguyên đã nhanh chóng hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum... đạt hiệu quả cao. Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng, có hơn 50% diện tích trồng rau, hoa; 25% diện tích chè được ứng dụng công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, cần thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, có giá trị gia tăng cao, gắn với đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm nông lâm nghiệp, tăng cường kết nối liên vùng là hướng đi chủ đạo để đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu của cả nước.
(Còn nữa)
Phụ trách Chuyên đề: Gia Kiệt
Thực hiện: Đức Nam - Uyên Ninh
[Để Tây Nguyên cất cánh]: Mảnh đất nhiều tiềm năng, lợi thế (Bài 1)
Bình luận