Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ bảy, 03/09/2022 05:09
TMO - Nhằm phát huy những thế mạnh về điều kiện tự nhiên trong phát triển nông nghiệp đặc biệt là sản phẩm nông sản chủ lực, thời gian qua huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đã đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững.
Vừa qua, nhằm giới thiệu tiềm năng lợi thế của địa phương về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cung cấp danh mục các dự án trọng điểm tới các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, UBND Krông Pắc đã tổ chức Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắk năm 2022.
Toàn huyện có diện tích tự nhiên 62.575,97ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 53.206ha, đất lâm nghiệp 2.809ha, đất có mặt nước chuyên dùng 6.149ha… Đối với diện tích tự nhiên trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đất đỏ Bazan (chiếm 64%) và còn lại là các loại đất khác như đất đen, xám, bùn lầy, địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông, hồ phân bố đều khắp các khu vực (với 70 hồ nước lớn), khí hậu 2 mùa mưa – nắng rõ rệt.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp huyện Krông Pắk đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đặc biệt là sầu riêng. Ảnh: Phan Tuấn
Với điều kiện tự nhiên ưu ái, tỷ trọng nông nghiệp của huyện cao, cơ cấu nông nghiệp chiếm tới 50% trong bức tranh kinh tế của huyện. Sản phẩm nông sản chủ lực của huyện khá đa dạng, bao gồm cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, chuối, lúa…
Điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho địa phương này phát triển nông nghiệp, do vậy đến nay toàn huyện Krông Pắc đã có hơn 19.700ha cà-phê với sản lượng hơn 38.800 tấn/năm; hơn 4.000ha cây sầu riêng, với sản lượng 50 nghìn tấn/năm; gần 1.300ha cây hồ tiêu với sản lượng hơn 2.715 tấn/năm và các loại cây ăn trái khác với diện tích gần 2.000ha, sản lượng trên 18.500 tấn/năm…
Ngoài ra, huyện Krông Pắk có vị trí thuận lợi cho hoạt động kết nối giao thương, logistics khi nằm dọc tuyến Quốc lộ 26, với chiều dài 37 km từ km-12 thành phố Buôn Ma Thuột đến km-49 giáp huyện Ea Kar; Trung tâm huyện cách thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) 150 km. Cùng với đó, dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện có đoạn tuyến dài 37 km/118 km, theo thiết kế có 4 điểm giao tốc.
Xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm và là động lực phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Thời gian qua, huyện Krông Pắk đã thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, khảo sát và đầu tư hiệu quả. Trong đó, đã có 70 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn huyện.
Tiềm năng, thế mạnh của huyện còn rất lớn nhưng chưa được đầu tư, khai thác như: Công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sản phẩm đông lạnh, du lịch, dịch vụ logistics, trồng trọt, chăn nuôi, thương mại, đầu tư hạ tầng đô thị,...Cụ thể như: Đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mác ca, chăn nuôi,…
Theo mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Krông Pắc đến năm 2026, tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế (GRDP) của huyện đạt 19.868 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2022-2026 đạt 9,11%; cơ cấu kinh tế đến năm 2026 là: nông nghiệp-lâm-thủy sản chiếm 50,18%; thương mại-dịch vụ chiếm 32,29%; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 17,53%; thu nhập bình quân đầu người đạt 66,39 triệu đồng/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2026 đạt 5.573 tỷ đồng…
Huyện Krông Pắk kêu gọi đầu tư nhiều lĩnh vực trong đó chú trọng đến nông nghiệp, chế biến nông sản. Ảnh: Minh Thông
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh đạt các mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Trung ương và tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Pắc còn thực hiện nhiều ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn khác.
Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk đã giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào 34 dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp và xây dựng, văn hóa-giáo dục, thương mại với tổng nguồn vốn hơn 15.500 tỷ đồng.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch có 10 dự án với số vốn 650,5 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng 7 dự án với tổng số vốn 3.977 tỷ đồng; lĩnh vực văn hóa và giáo dục có 4 dự án với tổng số vốn 330 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại có 13 dự án với số vốn hơn 10.600 tỷ đồng…
Trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, thu mua, xuất khẩu nông sản để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà huyện có lợi thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Tại hội nghị vừa qua, huyện Krông Pắk cũng đã trao bản ghi nhớ cho 24 nhà đầu tư đăng ký 24 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, có các dự án có thể phát huy được thế mạnh, tiềm năng của huyện Krông Pắk như dự án chế biến các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; dự án nhà máy đóng gói trái cây; du lịch sinh thái...
Phương Thu
Bình luận