Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
Thứ năm, 17/02/2022 16:02
TMO - Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có hệ sinh thái biển đa dạng như đầm phá, bãi đá, rạn san hô…thích hợp cho nghề trồng rong biển, tuy nhiên hiện chưa khai thác hết tiềm năng.
Hiện nay, diện tích tiềm năng trồng rong sụn cả nước khoảng 900 nghìn ha (tương đương 600 - 700 nghìn tấn rong khô/năm). Trong số hơn 800 loài rong biển, 90 loài có giá trị kinh tế. Tại Việt Nam có 20 loài rong biển chứa agar, trong đó có 7 loài rong biển phổ biến có giá trị kinh tế cao như: Rong nho, rong câu chỉ vàng, rong câu thắt, rong câu cước, rong sụn, rong bắp sú và rong sụn gai .
Vùng trồng rong nho tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa áp dụng trồng rong nho dưới đáy nước để cây mọc tự nhiên và cho năng suất cao
Trong đó, rong nho được du nhập vào Khánh Hòa vào năm 2004 và trồng thành công ở tỉnh này. Vùng trồng rong nho tiềm năng khoảng 400 ha, chủ yếu ở tỉnh Khánh Hòa. Hiện diện tích trồng rong nho khoảng 100 ha, năng suất từ 10-20 tấn/ha/năm, giá bán từ 8 - 10 USD/kg tươi. Đối với rong sụn hiện được trồng ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Với diện tích tiềm năng khoảng 10.000 ha, trong khi mới có khoảng 900 ha được canh tác. Rong sụn cho năng suất 20 - 30 tấn ha /năm và giá bán khoảng 0,1 USD/kg tươi.
Đẩy mạnh chuỗi chế biến rong biển góp phần nâng cao chất lượng rong cùng thu nhập cho các hộ sản
Về chế biến rong biển, hiện Việt Nam có 40% sản phẩm rong tươi chế biến thành rong trắng làm thực phẩm và bán trên cả nước. Gần đây, rong biển ở Việt Nam được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như: snack, thực phẩm chức năng, thực phẩm phụ gia, bánh kẹo… và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến rong biển và tiếp thị các sản phẩm rong biển.
Rong là đối tượng hoàn toàn phát huy hiệu quả tiềm năng của các vùng nước, người trồng không bỏ chi phí đầu tư thức ăn, công lao động chăm sóc và bảo vệ. Bên cạnh đó một trong những xu hướng tới đây các sản phẩm từ biển sẽ rất ưa chuộng, đặc biệt từ rong biển. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ khai thác và sử dụng ở mức độ thô sơ, do đó tới đây sẽ mở ra cơ hội rất tiềm năng cho lĩnh vực chế biến phục vụ về y tế, các loại thực phẩm chức năng. Từ đó sẽ kéo dài chuỗi chế biến sản phẩm rong biển.
Việc xây dựng chuỗi chế biến rong biển sẽ đảm bảo thực hiện đồng thời 2 mục tiêu, đó là bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi ven biển và nâng cao đời sống người dân ven biển. Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển sản phẩm gắn du lịch nông thôn, du lịch làng nghề... Đồng thời phát triển nghề rong biển còn khai thác được tiềm năng lợi thế với chi phí thấp nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học.
Theo đó để phát triển chuỗi rong nho cần có các cơ sở giống chất lượng để cung ứng giống cho người nuôi. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng rong sụn. Đẩy mạnh áp dụng hệ thống chứng nhận để kiểm tra chất lượng rong nuôi trồng, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái. Cũng như cho cho vay ưu đãi, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các hộ nuôi rong biển quy mô nhỏ liên kết thành chuỗi bền vững.
Nguyễn Hanh
Bình luận