Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 19/09/2022 11:09
TMO - An Giang là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, nằm trong nhóm đầu Đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái. Thời gian qua, địa phương này chú trọng xây dựng, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn trong xuất khẩu nông sản.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện nay toàn tỉnh đã cấp được 252 mã số vùng trồng và 21 mã số cho cơ sở đóng gói theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV (mã số vùng trồng) và TCCS 775:2020/BVTV (mã số cơ sở đóng gói).
Tỉnh An Giang có 146 mã số cây ăn trái, trong đó toàn tỉnh có 140 mã vùng trồng xoài với diện tích hơn 6.734ha, chiếm tỷ lệ 37% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, 104 mã số vùng trồng xoài đã được cấp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp để xuất khẩu sang các thị trường với diện tích gần 2.000ha.
Toàn tỉnh đã có 140 mã vùng trồng xoài với diện tích hơn 6.734ha. Ảnh: Song
Bên cạnh đó, tỉnh có 7 mã số vùng trồng cho cây chuối, với diện tích hơn 446ha và 4 mã số vùng trồng cho mít, với diện tích 86ha. Đối với cây lúa, tỉnh An Giang đã có 30 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 1.980ha gồm các giống lúa OM 5451, OM 18, Đài thơm 8 và một số loại lúa nếp.
Thị trường phục vụ xuất khẩu chủ yếu với cây ăn trái là Trung Quốc, New Zealand, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản… Thời gian qua, tỉnh An Giang đẩy mạnh phối hợp cấp mã số vùng trồng trên lúa, nếp, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp cùng xây dựng mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu gạo vào các thị trường cao cấp như Úc, Mỹ, EU, Nhật Bản…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định, việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang, qua đó khuyến khích người dân sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong việc liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để từng bước cao chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu, thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Bảo vệ Thực (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mã số đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: lúa, rau màu, cây ăn trái….
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Sở NN&PTNT An Giang tổ chức lớp tập huấn về thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và triển khai nhật ký điện tử (Farmdiary) cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chủ cơ sở, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác… nắm rõ các quy định về thông tin, kiến thức và quy trình đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục tích cực đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện để thuận lợi để người dân và doanh nghiệp phát triển xuất khẩu sản phẩm. Tỉnh phấn đấu năm 2022 có 860 mã số vùng trồng được cấp cho các loại cây trồng như lúa, cây ăn trái và rau màu. Trong đó, có 543 mã số trên cây lúa, với diện tích hơn 38.000ha; 131 mã số trên cây ăn trái, với diện tích hơn 2.600ha và 185 mã số trên rau màu, với tổng diện tích hơn 925ha…
Bên cạnh đó, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ tỉnh An Giang xây dựng 1.846 mã số vùng trồng, diện tích 168.611ha và 30 cơ sở đóng gói duy trì điều kiện xuất khẩu gắn với mã số.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích sản xuất lúa và rau màu, cây ăn trái toàn tỉnh là trên 260.000 ha; trong đó, có 229.791 ha trồng lúa, hơn 18.000 ha rau màu và trên 17.421 ha cây ăn quả (chủ yếu là xoài là 11.896ha, chuối 872 ha, nhãn 481 ha, cây có múi 1.516ha, mít 948 ha,…).
Mã số vùng trồng trên nhiều diện tích lúa gạo tạo thuận lợi cho mặt hàng này gia tăng giá trị xuất khẩu. Ảnh: TTX
Nhằm nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn để được cấp mã số vùng trồng tỉnh An Giang đã xác định xoài, lúa gạo, rau màu là ba trong bốn sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương.
Đối với cây xoài, hình thành vùng sản xuất xoài tập trung với diện tích 8.000-9.000ha… Đẩy mạnh sản xuất theo hướng có chứng nhận, có khả năng truy xuất nguồn gốc, trong đó diện tích tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... từ 4.000-5.000ha; cấp mới mã số vùng trồng cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái 4.000ha.
Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, tỷ lệ diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ 40%; xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; mở rộng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc…
Đối với rau màu, phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu chủ lực của tỉnh đến năm 2025 với quy mô xấp xỉ 6.000ha… Cơ cấu lại sản phẩm rau màu theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm qua chế biến. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích rau màu chuyên canh có liên kết theo chuỗi giá trị đạt 1.000ha; tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng.
Đối với ngành lúa gạo chất lượng cao, tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa đến năm 2025 đạt 550.000-600.000ha, diện tích canh tác xấp xỉ 200.000ha. Giảm dần diện tích gieo trồng lúa tại các khu vực, những mùa vụ canh tác không hiệu quả, chuyển đổi linh hoạt sang các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao hơn như nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây ăn trái hoặc lúa luân canh với cây trồng, vật nuôi khác (lúa - tôm, lúa - cá, lúa - rau màu).
Đồng thời, tăng diện tích sản xuất áp dụng các kỹ thuật canh tác cải tiến và tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa lúa gạo đặc trưng của tỉnh.
Thanh Nga
Bình luận