Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ bảy, 15/01/2022 18:01
TMO - Viện Dược liệu (Bộ Y tế) vừa ký hợp tác nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Ðà Lạt và Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Ðồng) để thúc đẩy nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ dược liệu tại khu vực Tây Nguyên và xây dựng Vườn Bảo tồn và Phát triển cây thuốc quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã chú trọng phát triển dược liệu và nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ dược liệu.
Từ đó, lựa chọn được nhiều nguồn gien tiềm năng để phát triển, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc. Nhiều đề tài, dự án cũng đã được triển khai để tuyển chọn, hoàn thiện quy trình nhân giống, sản xuất giống cây dược liệu như: nghiên cứu nhân giống lan gấm, hà thủ ô đỏ, chiêu liêu đen, chân danh ở tỉnh Ðắk Lắk; nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô ở tỉnh Lâm Ðồng…
Khoa học kỹ thuật được ứng dụng ngay từ quy trình nhân giống cây dược liệu
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng trọt (theo GACP, VietGap, hữu cơ) nhằm tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng.
Tại một số tỉnh cũng đã triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ để phát triển sản phẩm như: công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng tại tỉnh Ðắk Nông; công nghệ tách chiết sản xuất viên nang và trà hòa tan hỗ trợ bệnh cao huyết áp và mỡ máu từ đài hoa Bụp giấm; chiết tách phân đoạn kháng oxy hóa từ quả me rừng tại tỉnh Ðắk Lắk; nghiên cứu phát triển sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Kon Tum…
Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học-công nghệ để phát triển dược liệu trong vùng vẫn còn một số tồn tại như: việc sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, có sự nhầm giống, lẫn giống, thoái hóa giống ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dược liệu. Một số vùng dược liệu chủ yếu canh tác theo kỹ thuật truyền thống, không có quy trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn và chất lượng dược liệu.
Đồng thời, chưa có nhiều những chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển dược liệu; nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học-công nghệ còn hạn chế; chưa đầu tư vào các nhiệm vụ mang tính tổng thể và theo chuỗi giá trị và thương mại hóa sản phẩm từ dược liệu.
Quy hoạch xây dựng Trung tâm Nghiên cứu vùng dược liệu tạo điều kiện cho các hộ sản xuất thuận lợi
Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên và phát triển bền vững dược liệu vùng Tây Nguyên, vừa qua, Viện Dược liệu đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trong đó đáng chú ý là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Tây Nguyên, đặt tại tỉnh Lâm Ðồng để chỉ đạo toàn diện về công tác phát triển dược liệu của vùng Tây Nguyên. Cùng với đó, đề xuất triển khai xây dựng Vườn Bảo tồn và Phát triển cây thuốc quốc gia khu vực Tây Nguyên, lựa chọn Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tại tỉnh Lâm Ðồng, với mục tiêu thu thập, bảo tồn được 2.000 loài cây dược liệu đặc trưng vùng Tây Nguyên phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn, phát triển dược liệu.
Theo các nhà khoa học, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Tây Nguyên sẽ là giải pháp đột phá để triển khai chủ trương của Chính phủ xây dựng vùng Tây Nguyên thành vùng dược liệu trọng điểm phát triển dược liệu để phục vụ yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng, tập trung đầu tư vào nhóm cây dược liệu có lợi thế của vùng, các cây dược liệu thị trường có nhu cầu cao. Nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất các dược liệu mới được chọn tạo tại từng vùng sinh thái. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác dược liệu, trong sơ chế và bảo quản; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với một số cây dược liệu có giá trị cao.
Nguyễn Ngọc
Bình luận