Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Chủ nhật, 25/09/2022 22:09
TMO - Thời gian tới, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, tiềm năng của địa phương trên kênh phân phối truyền thống, xuất khẩu cũng như thúc đẩy thương mại điện tử.
Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực nên việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản, công nghiệp tiêu biểu đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh.
Thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Bình, ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2022, lúa vụ Xuân đạt trên 535 nghìn tấn, năng suất đạt 70,8 tạ/ha; diện tích lúa mùa đã gieo cấy toàn tỉnh đạt 76.628ha, vượt 0,16% diện tích theo Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông của tỉnh; tổng diện tích cây màu hè thu đã trồng đạt 8.990 ha, vượt 38% kế hoạch. Toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi và khoảng 250.000 nông hộ chăn nuôi, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.665,1 ha.
Trong 8 tháng của năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 57.824 tỷ đồng, tăng 14,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 17,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.592 triệu USD, tăng 18,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.541 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỉnh Thái Bình đẩy mạnh kết nối cung cầu, quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông, công nghiệp tiêu biểu. Ảnh: Phương Thảo
Xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thái Bình chủ yếu là tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN, Australia, New Zealand...và những nước mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực hiện.
Đối với các sản phẩm OCOP, hiện nay tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3,4 sao; 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của địa phương, có thương hiệu nổi bật trên thị trường như mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân…hay các sản phẩm tập trung ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm... được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu.
Nhiều sản phẩm của Thái Bình sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị. Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển, thịt vịt biển Đông Xuyên đã đưa vào tiêu thụ tại 26 cửa hàng, siêu thị ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng kênh phân phối truyền thống đã đi vào ổn định, thương mại điện tử hiện đang được các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tại tỉnh lựa chọn từng bước triển khai đưa nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên tiêu thụ qua các kênh trực tuyến.
Trong những năm qua, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh lân cận, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục.
Cụ thể như tham gia các hội chợ triển lãm tổng hợp và chuyên ngành trong nước và quốc tế, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát triển điểm bán hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua kênh trực tuyến theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành hàng năm.
Thông qua sàn thương mại điện tử, nông sản đặc trưng của tỉnh được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi hơn. Ảnh: PT
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp còn được hướng dẫn, hỗ trợ để quảng bá sản phẩm trên website, ứng dụng các phần mềm vào quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối,...
Đến nay, Thái Bình đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện xây dựng gian hàng, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên các nền tảng trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn thành thạo, bài bản, mang đến nhiều kết quả tích cực. Một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh như trà túi lọc thìa canh Thái Hưng, kẹo dồi Trường Thuận, trứng vịt biển Đông Xuyên, Bánh đa Quỳnh Côi, bánh cáy … đã phân phối thành công được người tiêu dùng trên toàn quốc đánh giá cao thông qua các sàn thương mại điện tử lớn.
Tại Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Thái Bình nói riêng, các địa phương nói chung nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thiết lập, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo ngành hàng, đa dạng các kênh phân phối (cả truyền thống và hiện đại) nhằm chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhất là các nước quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký.
Hồng Thắm
Bình luận