Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ hai, 10/10/2022 03:10
TMO - Trong những năm qua, cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung và thành phố Sơn La nói riêng. Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa phương này tăng cường các giải pháp trong quảng bá, nâng cao giá trị sản xuất cà phê.
Tại thành phố Sơn La hiện có gần 5.000 ha cà phê, trong đó, trên 4.500 ha cà phê kinh doanh, sản lượng quả tươi niên vụ 2022-2023 ước đạt trên 40.000 tấn quả. Diện tích chủ yếu trồng tập trung ở các xã Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần và phường Chiềng An, Chiềng Sinh.
Hiện nay, khoảng 1.300 ha cà phê được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4C, RA với 1.505 hộ tham gia; 77 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Trong 9 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Sơn La đã xuất khẩu được hơn 6.000 tấn cà phê nhân, giá trị xuất khẩu đạt 28,7 triệu USD.
Cà phê trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần thúc đẩy kinh tế tại thành phố Sơn La. Ảnh: MX
Các nông hộ trồng cà phê đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới, như: Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, trồng thử nghiệm một số giống mới, chế biến cà phê đặc sản, sử dụng chế phẩm để ủ phân hữu cơ từ vỏ quả cà phê... góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất; các doanh nghiệp, HTX đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La và được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Tuy nhiên, việc phát triển cây cà phê trên địa bàn thành phố Sơn La còn gặp một số khó khăn như: Quá trình canh tác cây cà phê còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, độ dốc lớn, khả năng đầu tư thâm canh của các hộ nông dân còn thấp, chất lượng, sản lượng cà phê chưa cao; việc hình thành phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất cà phê còn hạn chế; các liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX đã được hình thành nhưng chưa chặt chẽ...
Do đó, Thành phố cần triển khai các giải pháp để đẩy mạnh việc ghép, cải tạo các giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; cách sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả; cách thu hái cà phê đạt chuẩn để sơ chế, chế biến; xây dựng chuỗi cà phê bền vững…
Các doanh nghiệp, HTX, Hội cà phê Sơn La tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông hộ trồng, sản xuất cà phê trên địa bàn thành phố Sơn La; đẩy mạnh ghép, cải tạo tái canh cây cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững, bảo đảm chất lượng; sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, thu hái quả cà phê đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn; thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển sản xuất cà phê…
Cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân canh tác theo đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn và bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân tạo thành chuỗi sản xuất bền vững đưa vào trồng các giống cà phê mới cho giá trị kinh tế cao.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố Sơn La cần tập trung phát triển ổn định vùng cà phê hiện có, tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi, hiệu quả thấp; phát triển sản xuất cà phê hàng hóa, quy mô lớn và phát triển ứng dụng công nghệ cao. Cùng đó, đưa vào khảo nghiệm, thử nghiệm một số giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của địa phương cho năng suất, chất lượng tốt để thay thế dần giống cà phê hiệu quả thấp.
Ngoài ra, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh truyền thống để gắn kết 4 nhà "Nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nước", với mục đích khi nông dân muốn tăng quy mô sản xuất, có đầu ra và thị trường ổn định.
Để nâng cao hiệu quả quảng bá cho sản phẩm cà phê Sơn La, mới đây hành phố Sơn La đã lần đầu tiên tổ chức Ngày hội cà phê năm 2022. Sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu, tôn vinh ngành nghề cà phê và thương hiệu cà phê Sơn La; đồng thời, khích lệ, động viên người nông dân trồng cà phê và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê.
Việc áp dụng quy trình sản xuất tiêu chuẩn, hoàn thiện năng lực chế biến góp phần nâng cao giá trị cà phê tại TP Sơn La
Thành phố Sơn La phấn đấu đến năm 2025, trồng tái canh 1.150 ha và ghép cải tạo 1.350 ha cà phê; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh với quy mô 2.000 ha phục vụ sản xuất cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao và 3.000 ha cây cà phê được chứng nhận 4C, RA, hữu cơ. Thành phố duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La"; ổn định diện tích cà phê nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý; nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý...
Đồng thời, duy trì phát triển ổn định diện tích hiện có, năng suất cà phê nhân đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha; hằng năm, dự kiến xuất khẩu từ 9.000 - 11.000 tấn cà phê nhân sang thị trường các nước Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ.
Hiện nay, Sơn La là tỉnh trồng cà phê chè lớn nhất toàn quốc với diện tích trên 17.000 ha. Cà phê chè (Arabica) là loại cà phê chất lượng cao, giá trị thường gấp 1,5 – 2 lần so cà phê Vối (Robusta). Sản lượng năm 2021 đạt trên 4.000 tấn nhân có giá trị trên 3.000 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 03 địa phương là vùng nguyên liệu cà phê chính bao gồm: huyện Thuận Châu, thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn. (Thuận Châu với diện tích 5.600ha, thành phố Sơn La với diện tích 5.000ha và huyện Mai Sơn với diện tích trên 6.400ha).
Cây cà phê được trồng tại tỉnh Sơn La nói chung và thành phố Sơn La nói riêng từ những năm 1990. Trải qua trên 30 năm phát triển, cà phê Sơn La đã khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, làm giàu cho nhiều hộ nông dân và từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững.
Thu Hà
Bình luận