Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ năm, 13/07/2023 13:07
TMO - Tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi đồng thời tăng cường tuyên truyền các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu đến các đơn vị và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước; quảng bá các sản phẩm của tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản...
Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn tỉnh ước đạt 109.065 tấn. Trong đó diện tích áp dụng thâm canh lúa cải tiến (SRI), cánh đồng một giống, lúa chất lượng cao đạt trên 5.000 ha. Ngô ước năng suất đạt trên 45 tạ/ha, cao hơn 0,61 tạ/ha so với cùng kỳ. Tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 7.500 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 5.082 ha. Sản lượng chuối ước đạt đến hết tháng 6/2023 là 43.800 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá bán bình quân ổn định 7.000 - 9.000 đồng/kg.
Cây dược liệu tập trung tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, thị xã Sa Pa; các địa phương tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn nhân dân trồng và chăm sóc đảm bảo thời vụ. Sản lượng thịt hơi ước thực hiện 6 tháng đầu năm 37.000 tấn, đạt 102,78% cùng kỳ. Ước đến hết 6 tháng, diện tích trồng mới cây quế lũy kế đạt 1.400 ha; khai thác 110.000 tấn cành lá quế khô; 4.750 tấn vỏ quế khô; chiết xuất được 250 tấn tinh dầu quế; tinh dầu quế và các sản phẩm từ vỏ quế được xuất bán ra các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, các nước Châu Âu…
Các địa phương đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng vùng chè theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm hoạt động sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn: Giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cao làm gia tăng chí phí sản xuất; trong khi giá thu mua nông lâm sản đối với một số sản phẩm như dứa, quế chưa thực sự ổn định; có thời điểm giá xuống thấp đặc biệt đối với giá dứa tươi; giá bán của quế giảm hơn cùng kỳ khoảng 10%.
Thời tiết 6 tháng đầu năm diễn biết bất lợi, nắng nóng, hạn hán kéo dài sản xuất nông nghiệp nghiệp gặp bất lợi; một số diện tích cây trồng như quế, dứa bị ảnh hưởng do nắng nóng; một số địa bàn còn thiều nước sinh hoạt. Một số cây trồng bị nhiễm bệnh hại như: Bệnh vàng lá Panama trên cây chuối, Nấm Colletotrichum sp gây hại cho cây quế tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên diện tích bị thiệt hại hơn 1300 ha. Công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, áp dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra chậm, chưa tạo bước đột phá.
Diện tích chè theo tiêu chuẩn chất lượng chưa nhiều, hiện nay mới có một số vùng chè huyện Bắc Hà đạt tiêu chuẩn hữu cơ, các vùng sản xuất chè lớn chưa được quan tâm nhiều đến việc chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng; công nghệ chế biến lạc hậu, sản phẩm chế biến còn chưa đa dạng, phong phú. Triển khai các dự án liên quan đến chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia mặc dù đã được quan tâm tháo gỡ; nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ; sáu tháng đầu năm 2023, các địa phương đều chật vật trong việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia, hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục chờ có hướng dẫn của Trung ương.
Đối với hoạt động thương mại nông sản, ngành chức năng tỉnh đã cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh; cập nhật các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc sản, chủ lực của tỉnh; các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa Nông dân - Doanh nghiệp - Hợp tác xã thông qua “Bản tin xúc tiến thương mại nông nghiệp Lào Cai”.
Ngành chức năng tỉnh cũng đồng thời cập nhật thông tin giá cả thị trường đối với các mặt hàng nông sản (rau, củ, quả...) tại chợ đầu mối thành phố Côn Minh, Trung Quốc; kịp thời tư vấn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp của Lào Cai và doanh nghiệp trong nước. Chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu và kết nối thông tin đến các doanh nghiệp chế biến nông sản, các cơ sở sản xuất, cơ sở bán lẻ trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Lào Cai đến Sở Công thương các tỉnh, thành phố.
Công tác giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ nông sản được các ngành chức năng chú trọng triển khai.
Thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt biệt là sơ chế biến dược liệu; chế biến chè chất lượng cao; tiêu thụ chế biến các sản phẩm từ rừng trồng; Tăng cường chỉ đạo xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, mở ra những thị trường mới, thuận lợi trong tiêu thụ, bảo đảm ổn định lâu dài. Lào Cai tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo kế hoạch của UBND tỉnh trong năm 2023.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch nông sản; triển khai trồng mới các cây trồng chủ lực đảm bảo kế hoạch giao; kiểm soát chặt chẽ cơ cấu giống; bố trí thời vụ hợp lý. Khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn có sự tham gia, kết nối thị trường của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Duy trì và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia 03 hệ thống phần mềm về quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản an toàn.
Tăng cường áp dụng các nền tảng số để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với các địa phương trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh phát triển các kênh bán hàng mới, các sàn thương mại điện tử có uy tín, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương kết nối xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước khác. Theo dõi, nắm bắt, thu thập thông tin về thị trường hàng hoá, đặc biệt là thông tin liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng, nghiên cứu có hướng dẫn kịp thời để nhân dân xử lý có hiệu quả bệnh trên cây trồng như Chuối, Quế. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu, tham mưu ban hành bộ tiêu chuẩn cho từng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của tỉnh phù hợp cho từng thị trường xuất khẩu; để định hướng, khuyến khích nhân dân thực hiện, bảo đảm đúng quy chuẩn sản phẩm xuất khẩu; giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Khẩn trương hoàn thành việc khảo sát, cấp mã vùng trồng cho các sản phẩm như chuối, dứa giúp tiêu thụ sản phẩm qua thị trường Trung Quốc được thuận lợi. Có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ,...). Về lâm nghiệp cần tăng cường việc hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh, nghiên cứu trình diễn các mô hình trồng rừng hỗn giao giữa cây quế và loại cây trồng khác đem lại giá trị kinh tế cao; đồng thời bảo đảm tính đa dạng.
Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa; thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.
Cụ thể, Lào Cai tập trung quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa 6 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, chăn nuôi lợn, quế), 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương; khuyến khích liên kết, tập trung đất đai tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển chăn nuôi phù hợp với thị trường và an toàn dịch. Thay đổi tư duy chăn nuôi từ chăn thả truyền thống sang sản xuất hàng hóa; đa dạng hóa đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết sản xuất với người chăn nuôi.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trồng rừng sản xuất ở vùng thấp; thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả bằng trồng cây lâm nghiệp đa mục đích; khuyến khích phát triển các Tổ hợp tác, HTX lâm nghiệp, chế biến sâu lâm sản để nâng cao giá trị. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái... để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển. Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đảm bảo đáp ứng cả về số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường; đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã gắn với các vùng sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thanh Nga
Bình luận