Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ năm, 27/10/2022 11:10
TMO - Trước bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động, nhiều ý kiến cho rằng liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) lại càng trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi cần sớm có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm... nhằm thúc đẩy liên kết nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản.
Nhằm thúc đẩy liên kết nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025. Đề án được Bộ NN&PTNT xây dựng với việc hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800 ha, phạm vi 5 vùng sản xuất nguyên liệu thuộc 13 tỉnh.
Thứ nhất là Sơn La, Hòa Bình sẽ được quy hoạch là vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc với diện tích 14.000ha. Thứ hai là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) với 22.900ha. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông được quy hoạch là vùng cà phê Tây Nguyên với diện tích 19.700ha. Thứ tư là An Giang, Kiên Giang thuộc vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên diện tích 50.000ha. Thứ năm là Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang thuộc vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười, diện tích 60.200ha.
Mục tiêu của liên kết vùng nguyên liệu là phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân sản xuất nguyên liệu; giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5-10%; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và gia tăng giá trị từ 10-20%.
Đề án "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025" vừa được phê duyệt nhằm tăng cường liên kết các vùng sản xuất, chế biến nông sản.
Xác định người dân là chủ thể chính để xây dựng liên kết vùng, Bộ NN&PTNT sẽ có những kế hoạch đi kèm như phát triển khuyến nông cộng đồng, phát triển các chuỗi liên kết. Địa phương sẽ không còn bị ràng buộc bởi địa giới hành chính và được tham gia sâu, rộng khi xây dựng 5 trung tâm chế biến: Lúa gạo (Thoại Sơn – An Giang); Lúa – tôm hữu cơ (An Minh – Kiên Giang), Chế biến tôm (Cù Lao Dung – Sóc Trăng), Trái cây (Mỹ Hiệp – Đồng Tháp); Cà phê (Gia Lai).
Thông tin tại Diễn đàn "Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”, Liên minh HTX Việt Nam cho biết, vai trò liên kết vùng đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên.
Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX. Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
Tuy nhiên, trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).
Bên cạnh đó, việc hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian.
Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ góp phần gia tăng giá trị đối với các mặt hàng nông sản
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng. Bên cạnh đó, để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và hợp tác xã thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.
Ngoài ra, cần thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết hợp tác xã) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm của các HTX nói riêng và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung.
Hơn nữa, cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất (bao gồm cơ cấu cây trồng, vật nuôi) theo hướng chuyên môn hóa theo vùng lãnh thổ và mở rộng liên kết vùng. Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và HTX, hộ nông dân với vùng nguyên liệu tập trung có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.
Riêng trong lĩnh vực nông sản, về việc xây dựng vùng nguyên liệu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, điều quan trọng là cần gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội (thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững). Hơn nữa, vùng nguyên liệu phải theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển tuần hoàn.
Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để hình thành các chuỗi giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phải đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực để sản xuất hiệu quả, bền vững.
Khánh Nam
Bình luận