Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 07/12/2023 07:12
TMO - Với sự kết nối của Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018-2020, Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả cụ thể. Trong đó, Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 04 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (05 điểm)….
Đồng thời, Bộ cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền. Với sự kết nối của Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.
Các địa phương đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa... Ảnh: BQN.
Theo Vụ Thị trường trong nước, cùng với những kết quả nổi bật đã đạt được việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, Vụ Thị trường trong nước đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới: Tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.
Đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.
Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước. Tính đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% trong tổng số 9.852 sản phẩm OCOP của cả nước. Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nhờ đó các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Thành phố Hà Nội còn khai trương đi vào hoạt động 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, thành phố còn quan tâm, thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người dân. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Ngoài các tuần hàng, hội chợ, xây dựng điểm bán các sản phẩm OCOP, Hà Nội còn tổ chức chuỗi các hoạt động tổ chức Chương trình “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023”. Hoạt động này góp phần quảng bá các sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tới người tiêu dùng thủ đô cũng như du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện được đánh giá là hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng và là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm…
Thu Hương
Bình luận