Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ hai, 06/02/2023 04:02
TMO - Tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.
Nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; chủ động hội nhập kinh tế thế giới, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị 930 triệu USD; năm 2030 đạt giá trị 1.240 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7,81%/năm. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực Châu Âu lên 12,5%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 15,5% vào năm 2030.
Trong đó nhóm thủy hải sản là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế. Đối với nhóm nông sản: Định hướng chung cho các mặt hàng này là chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.
Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo: Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm có hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, bao bì... Tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản xuất khẩu; hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, một số sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao của tỉnh tham gia xuất khẩu.
Tỉnh Bình Thuận triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại địa phương. Ảnh: TD
Đổi mới tư duy phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, để vượt rào cản thương mại; đa dạng hóa, không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường truyền thống và các thị trường mục tiêu, cụ thể:
Thị trường các nước ASEAN, địa phương này tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) để đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng có thế mạnh của tỉnh như: Nông sản, thủy sản. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc: Vận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như: Nông sản, thủy sản, dệt may... Tập trung thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đối với các sản phẩm thanh long.
Đối với thị trường Châu Âu, đây là khu vực thị trường có dung lượng lớn và có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Thuận với ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tập trung xuất khẩu vào thị trường này, nhất là các nước Đức, Pháp, Hà Lan, Ý... với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, khoáng sản… Thị trường Châu Mỹ: Tập trung chiến lược xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, giấy... sang thị trường Hoa Kỳ. Tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.
Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, có tính cạnh tranh cao nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng cao và đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh.
Đẩy mạnh cơ cấu lại cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển đối với cây trồng chủ lực, quan trọng của tỉnh. Nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Cơ cấu lại kinh tế thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến vào sản xuất; gắn khai thác, nuôi trồng với chế biến theo chuỗi giá trị, tích cực hội nhập kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản. Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh.
Đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, tỉnh rà soát bổ sung và hoàn chỉnh các phương án quy hoạch ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030. Triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt liên quan đến phát triển ngành công nghiệp chế biến hàng nông, lâm, thủy sản. Nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm công nghiệp. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của địa phương có tác động đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trực tiếp của tỉnh.
Triển khai thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chong đèn thanh long…). Thực hiện tốt quy hoạch, bố trí các ngành nghề chế biến, sản xuất các sản phẩm lợi thế, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Hải Minh
Bình luận