Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 03:11
Thứ bảy, 30/04/2022 13:04
TMO – Nền nông nghiệp sẽ không thể liên kết theo chuỗi giá trị nếu không hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ cũng như đồng bộ cơ chế chính sách liên quan tài chính và quản lý chất lượng.
Theo đó, thời gian qua, nhiều vùng nguyên liệu đã dần được hình thành. Tuy nhiên, chưa được quản lý tốt; hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, nhất là ở các vùng nguyên liệu lớn hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu nên các sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo được chất lượng và thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất chưa cao; trong khi đó, rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao; tổn thất sau thu hoạch còn đáng kể...
Giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần có đề án hoặc chương trình hành động cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển các vùng nguyên liệu; đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn.
(Ảnh minh họa)
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” với nhu cầu cần kinh phí khoảng gần 2.500 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn do Trung ương và địa phương chiếm khoảng 55%). Mục tiêu của đề án này là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Theo đề án, 5 vùng nguyên liệu hình thành sẽ đạt chuẩn, quy mô hàng hóa tập trung với tổng diện tích gần 170.000 ha. Trong đó gồm vùng trồng chanh leo, dứa, xoài tại Hòa Bình và Sơn La… 14.000 ha; vùng trồng gỗ rừng đạt chứng chỉ bền vững tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế… 22.900 ha; vùng trồng cà phê tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum… 19.700 ha; vùng trồng lúa tại Kiên Giang, An Giang và vùng trồng xoài, mít, sầu riêng tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… hơn 110.000ha. Sẽ có sự tham gia của 273 hợp tác xã với gần 186.280 hộ dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các cơ quan tham mưu, các tỉnh thành tham gia đề án, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nắm rõ nội dung và trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện đề án; đánh giá, dự báo được những khó khăn, thách thức, bàn các giải pháp triển khai các nội dung đề án đạt hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế.
Vũ Minh
Bình luận