Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ sáu, 07/10/2022 10:10
TMO - Cùng với nhóm hàng rau quả tươi, các sản phẩm rau quả chế biến đạt 661 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia cho rằng đây là chủng loại cần được đẩy mạnh, bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu đặc biệt là các thị trường cao cấp.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tính chung 9 tháng của năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022, chủng loại quả dẫn đầu về trị giá xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản phẩm chế biến là chủng loại lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu. Trong 8 tháng của năm 2022, trị giá xuất khẩu chủng loại này đạt 660,9 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là chủng loại cần được đẩy mạnh, bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu, nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tỷ trọng thấp.
Ngành hàng rau quả chế biến của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ tại các thị trường xuất khẩu trong đó có EU.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu hàng rau quả chế biến, đặc biệt là sang thị trường châu Âu (EU), Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu cho biết, mỗi năm thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần châu Âu đang nhập khẩu.
Trong cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn). Người dân châu Âu đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.
Với giá trị tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, các chuyên gia nhấn mạnh nhóm sản phẩm chế biến là chủng loại cần được đẩy mạnh, bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu đặc biệt là các thị trường cao cấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
Thông tin về lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện có 157 cơ sở chế biến với công suất đạt gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tình trạng thiếu nguyên liệu cung cấp cho hoạt động sản xuất vẫn diễn ra. Công suất đạt bình quân chỉ khoảng 56 - 60%, nguyên nhân là diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; chế biến theo mùa vụ (2 - 3 tháng/năm); chất lượng an toàn thực phẩm chưa bảo đảm; một số loại rau quả giá thành còn cao.
Về tỷ trọng sản phẩm chế biến: đồ hộp chiếm 50%, sản phẩm nước quả cô đặc 18%, chiên sấy (12%), nước giải khát (10%), sản phẩm đông lạnh (8%)… Tỷ trọng giá trị sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu so với giá trị xuất khẩu rau quả năm 2020 mới đạt 18%.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao công nghệ góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm rau quả chế biến. Ảnh: QH
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu được kết nối theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Bộ NN&PTNT cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về liên kết để có những chế tài xử phạt, có quy định điều phối các hoạt động liên kết…
Bên cạnh đó, để lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản, chế biến rau quả phù hợp với quy mô nhỏ, vừa, các đơn vị cần lưu ý các yêu cầu như: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cuối cùng mới đến đăng ký chất lượng, thương mại hóa sản phẩm.
Trần Hoàng
Bình luận