Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 23:01
Thứ năm, 03/03/2022 16:03
TMO - Là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, thành phố Đà Nẵng hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố quan trọng về hạ tầng cơ sở để đầu tư phát triển ngành logistics.
Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ…
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, thời gian qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện, ngành giao thông vận tải của thành phố đã có nhiều chiến lược đầu tư và phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông về quy mô, đem lại những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương.
Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh những giải pháp để phát triển ngành dịch vụ logistics
Nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng là “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề “Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”.
Theo nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể, Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu có vai trò là trung tâm logistics cảng biển, quy mô đến năm 2030 là 35ha, đến năm 2045 đạt 69ha, đặt tại khu vực hậu cần cảng Liên Chiểu.
Tiếp đến là Trung tâm logistics Hòa Nhơn, đây là trung tâm logistics đường bộ, quy mô đến năm 2030 là 27ha, đến năm 2045 đạt 54ha, đặt gần nút giao giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và phía nam tuyến đường Hoàng Văn Thái. Trung tâm logistics này có chức năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ logistics cho luồng hàng hóa Bắc - Nam và các tỉnh lân cận trung chuyển qua thành phố.
Về đường sắt có Trung tâm logistics tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, trung tâm logistics phục vụ đường sắt, quy mô đến năm 2030 là 5ha, đến năm 2045 đạt 10ha. Về hàng không do Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đảm nhận có quy mô đến năm 2030 là 4ha, đến năm 2045 đạt 8ha.
Các trung tâm logistics sẽ hình thành với từng chức năng để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu cả nước
Đối với trung tâm logistics chuyên ngành có Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô đến năm 2030 là 3ha, đến năm 2045 dự kiến đạt 20ha. Trung tâm logistics này giữ nhiệm vụ là trung tâm logistics phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường bộ.
Ngoài ra thành phố Đà Nẵng còn lập quy hoạch và đầu tư các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung nói trên đồng thời thu gom phân phối hàng hóa phục vụ thành phố và các tỉnh lân cận, quy mô đến năm 2030 đạt 26ha, đến năm 2045 đạt 68ha.
Để hỗ trợ ngành dịch vụ vận tải logistics phát triển, thành phố sẽ đầu tư nhiều dự án, hạng mục công trình được đầu tư mới về hạ tầng đường bộ, đường sắt… bảo đảm kết nối giữa cảng biển với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển trong hệ thống vận tải địa phương và quốc gia.
Phương Thu
Bình luận