Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Chủ nhật, 16/04/2023 16:04
TMO - Với sản lượng quả dự kiến tăng 28%, thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 4 đến tháng 11, tỉnh Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo việc tiêu thụ, xuất khẩu mặt hàng nông sản năm 2023 hiệu quả.
Tỉnh Sơn La hiện có 84.784 ha cây ăn quả, sản lượng quả năm 2023 ước đạt 451.779 tấn, tăng 28% so với năm 2022. Sản lượng một số loại cây ăn quả lớn, như: 55.000 tấn chuối; gần 90.000 tấn mận; 81.000 tấn xoài, 139.000 tấn nhãn… Thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 4 đến tháng 11. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 281 mã số vùng trồng với tổng tích 4.600 ha phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như: Úc, New, Mỹ, Trung Quốc, EU và một số thị trường khác. Số lượng quả phục vụ các nhà máy, cơ sở chế biến trong tỉnh ước tính khoảng 70.000 tấn, còn lại là tiêu thụ trong nước.
Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2023 đạt 184 triệu USD, tăng 5,24% so với năm 2022: Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 171,8 triệu USD, tăng 5,29% so với năm 2022 góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới.
Nông dân các vùng sản xuất cây ăn quả tiến hành bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2023. Ảnh: VN.
Đối với trái cây, số lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 18.700 tấn (tăng 0,98% so với năm 2022). Giá trị tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 25,26 triệu USD (tăng 26,15% so với năm 2022). Trong đó, sản phẩm Xoài tham gia xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 8.000 tấn (bao gồm 3.000 tấn quả tươi; 3.500 tấn quả tươi đưa vào sơ chế, chế biến xuất khẩu tại các nhà máy ngoài tỉnh; 1.500 tấn sản phẩm xoài IQF, nước ép xoài cô đặc...). Giá trị xoài tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 4,88 triệu USD, thị trường tham gia xuất khẩu chủ yếu: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...
Sản phẩm Nhãn tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 4.500 tấn sản phẩm (gồm 1.300 tấn quả nhãn tươi, 3.000 tấn long nhãn và 200 tấn nước ép nhãn). Giá trị nhãn tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 17,54 triệu USD, thị trường tham gia xuất khẩu chủ yếu: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc....Sản phẩm Chuối tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 4,500 tấn. Giá trị chuối tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 1,37 triệu USD với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Đối với sản phẩm Chanh leo dự kiến tham gia xuất khẩu đạt 1.000 tấn với giá trị xuất khẩu đạt 1,13 triệu USD tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Thụy Sỹ, Pháp...
Để sản phẩm trái cây Sơn La tiếp tục chinh phục được các thị trường khó tính như: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nga, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Trung Đông và ASEAN, Hội Nông dân tỉnh Sơn La và huyện Mường La phấn đấu bao được 15 triệu trái cây trong năm 2023.
Với phương châm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo hướng hiệu quả, bền vững, tỉnh Sơn La luôn xác định chất lượng nông sản là yếu tố hàng đầu giúp nông sản Sơn La chinh phục được thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó bao trái cây là một biện pháp tiến bộ nhằm tạo ra mẫu mã sản phẩm trái cây đồng đều, nâng cao chất lượng trái cây, tiết kiệm chi phí cho người sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao.
Sơn La triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm nhằm nâng cao chất lượng trái cây, tạo thuận lợi trong tiêu thụ, xuất khẩu. Ảnh: HQ.
Những năm qua, Sơn La là một trong những địa phương tiêu biểu vùng Tây Bắc trong xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nông sản. Năm 2022, Sở Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trong công tác điều tiết hàng hóa thông quan, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, trong đó có các sản phẩm nông sản của tỉnh. Tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (AVFTA, CPTPP...) trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của tỉnh xuất khẩu và giới thiệu các sản phẩm nông sản sang 21 nước và vùng lãnh thổ.
Để đảm bảo phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của địa phương năm 2023 UBND tỉnh giao Sở Công Thương tham mưu với UBND tỉnh Kế hoạch xúc tiến thương mại và Phát triển thương mại điện tử tỉnh Sơn La năm 2023. Tổ chức tham gia các chương trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, Hội nghị kết nối cung cầu... để quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm của cả tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại nhất là Hiệp định Thương mại tự do với các doanh nghiệp, HTX và người dân.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế phát triển của địa phương, hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao chuỗi giá trị cho các loại cây ăn quả chủ lực, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ban hành kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn...
Ngân Trang
Bình luận