Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Chủ nhật, 05/12/2021 14:12
TMO - Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế trong nước (nhất là trong các tháng 5,6,7,8), đặc biệt là các địa phương, đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa…nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước trong những tháng này ở mức rất thấp, tăng trưởng âm.
Thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đang được các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện giúp cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ đang dần trở về trạng thái “bình thường mới”.
(Ảnh minh họa)
Thị trường trong nước nhộn nhịp hơn, tại một số địa phương, nhiều chợ truyền thống được hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động trở lại.
Những tháng cuối năm, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm Black Friday đã được tổ chức tại nhiều địa phương, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước (đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây).
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước tính chiếm 83,1%; lưu trú và ăn uống ước tính chiếm 8%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,7%... Dưới tác động của dịch Covid-19, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.
Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan: (i) Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa, kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; (ii) triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, thực hiện Chương trình kết nối cung cầu, Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp, miền núi, hải đảo; (iii) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tiếp nối những kết quả đã đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; Đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Hai là, chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp; Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có).
Bốn là, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Năm là, phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các Chương trình phục vụ Tết, thông tin giá cả, thị trường để tạo tâm lý ổn định cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ găm hàng.
Gia Kiệt
Bình luận