Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ sáu, 29/04/2022 12:04
TMO - Nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn trong phát triển rừng bền vững, những năm gần đây ngành Lâm nghiệp tỉnh Bình Định tăng cường siết chặt quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 127.000ha rừng trồng, và gần 40.000ha rừng trồng mới chưa thành rừng. Nhằm gia tăng diện tích rừng trên địa bàn, hàng năm tỉnh Bình Định tổ chức trồng mới khoảng 10.000ha rừng. Để đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn, thời gian qua các địa phương đẩy mạnh sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Tỉnh Bình Định hiện có 167 đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước, 28 doanh nghiệp tư nhân, 6 đơn vị sự nghiệp và 130 hộ gia đình. Các giống cây lâm nghiệp được sản xuất tại Bình Định chủ yếu là keo lai, bạch đàn, sao đen, thông Caribe, keo lá tràm, phi lao, lim xanh…
Các địa phương chủ động sản xuất các giống cây lâm nghiệp với những vườn ươm keo lai đầu dòng, bạch đàn...
Năm 2022, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Bình Định dự kiến sẽ sản xuất 200 triệu cây, trong đó có 25,8 triệu cây phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh, số còn lại cung ứng cho người trồng rừng trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Với keo lai giâm hom, đến hết năm 2021, Bình Định đã có đến 167 nguồn giống được trồng trên diện tích hơn 45,4ha đang trong thời hạn công nhận. Về cây keo lai cấy mô, có 3 doanh nghiệp có phòng nuôi cấy mô với diện tích 2.500m2, quy mô sản xuất 32 triệu cây/năm.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Bình Định đang triển khai chăm sóc vườn cây đầu dòng, chuẩn bị vật tư, vật liệu để sản xuất cây con phục vụ trồng rừng năm 2022. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác quản lý, thẩm định nguồn gốc giống và kế hoạch sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn.
Các hộ dân thực hiện chăm sóc diện tích rừng trồng mới
Đặc biệt, ngành chức năng Bình Định đẩy mạnh tuyên truyền việc nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, đồng thời tích cực tuyên truyền các đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp trong việc thực hiện đúng quy định tại Nghị định 27/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Chất lượng giống cây lâm nghiệp quyết định lớn đến năng suất, chất lượng của rừng trồng sau này. Đối với các tổ chức trồng rừng thì đơn vị nào cũng có vườn ươm giống riêng để sản xuất cây giống, còn các cá nhân thì nguồn cây giống hầu hết được mua từ những cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp. Ngành chức năng quản lý rất chặt hoạt động này để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trên địa bàn.
Để giám sát chất lượng cây giống lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Bình Định thành lập hội đồng thẩm định nguồn giống cây trồng lâm nghiệp khi đơn vị sản xuất giống có đơn đề nghị công nhận nguồn giống. Quy trình sản xuất giống cây lâm nghiệp càng được ngành chức năng quản lý nghiêm ngặt hơn.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất cây giống keo lai theo phương pháp giâm hom phải được cắt hom cấy vào bầu, phải có đầy đủ trang thiết bị như hệ thống tưới, dàn che, máy phát điện và phải đảm bảo tỷ lệ sống của cây giống khi xuất vườn theo tiêu chuẩn, không sâu bệnh.
Minh Thu
Bình luận