Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 22/12/2024 00:12
Thứ năm, 06/06/2024 07:06
TMO - Mùa mưa lũ năm nay được cảnh báo với thời tiết cực đoan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hệ thống các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chủ động đánh giá mức độ an toàn và xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó, bảo vệ công trình hồ, đập đang là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được địa phương này đẩy mạnh triển khai.
Là tỉnh miền núi, Yên Bái có địa hình đồi núi dốc, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, các công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, phân bố, phân tán xa khu dân cư, thường xuyên bị bồi lắng, sạt lở, hư hỏng về mùa mưa lũ nên việc kiểm tra, quản lý vận hành, sửa chữa gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 186 công trình hồ chứa nước thủy lợi; trong đó có 133 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 hoặc có chiều cao đập từ 5m trở lên, 53 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 và có chiều cao đập từ 5m trở xuống. Phần lớn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ năm 1960 - 1970, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng. Hàng năm, các cơ quan chức năng cũng triển khai nhiều phần việc để đảm bảo an toàn cho đập nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn
Theo kết quả kiểm tra, quan trắc năm 2023, hiện chỉ có 27/133 hồ thực hiện kê khai, đăng ký an toàn; 16/133 hồ lập, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; 16/133 hồ lập quy trình bảo trì công trình; 16/133 hồ lập và lưu trữ hồ sơ; 18/133 hồ thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước; 16/133 hồ thực hiện bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa đập, hồ chứa nước; 16/133 hồ lập hệ thống cơ sở dữ liệu lên trang web của Tổng cục Thủy lợi.
Các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động đánh giá hiện trạng, lên phương án đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa lũ.
Trước thực tế trên, để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ, hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo, kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Các địa phương chú trọng chỉ đạo ban chỉ huy phòng chống thiên tai của các xã, thị trấn có hồ chứa trên địa bàn, phối hợp với các chủ hồ để chỉ đạo điều hành và quyết định khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Hàng năm đều lập phương án phòng chống thiên tai; trong đó, có phương án phòng chống lũ lụt hạ du và di dời người và tài sản khi có sự cố xảy ra. Đối với các hồ chứa lớn như: hồ Từ Hiếu (Lục Yên), Đầm Hậu (Trấn Yên), các đơn vị đã có phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du riêng.
Đối với các hồ nhỏ, đơn vị quản lý lập phương án phòng chống thiên tai chung với địa phương. Theo nhận định của chuyên gia khí tượng thủy văn, năm 2024 sẽ là năm dị thường về thời tiết, đề phòng tình trạng đa thiên tai nếu các cơn bão xảy ra đồng thời, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ… Đối với hồ chứa có cửa van tràn xả lũ phải thường xuyên kiểm tra, vận hành thử cửa van và các thiết bị cơ khí bằng điện lưới và máy phát điện dự phòng; chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão; xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập; xây dựng phương án bảo vệ công trình; thường xuyên kiểm tra công trình thông qua phân tích, đánh giá tài liệu đo đạc, quan trắc đập và bằng trực quan hiện trường; kiểm tra định kỳ trước và sau mùa mưa lũ; tiến hành kiểm tra đột xuất; giám sát việc quản lý an toàn đập theo quy định.
Bên cạnh việc đánh giá thực trạng an toàn, để chủ động ứng phó với mưa lũ và đảm bảo vận hành an toàn các công trình hồ chứa nước, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác diễn tập phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đối với sự cố hồ, đập để hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với mưa, lũ bất thường. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với sự cố mất an toàn hồ, đập. Khuyến khích các hộ dân di dời nhà cửa nằm trong vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Trước mỗi mùa mưa bão, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa tiến hành phát quang bờ đập và nạo vét đường tràn xả lũ của hồ chứa; thường xuyên bảo dưỡng van điều tiết, sửa chữa thiết bị hư hỏng, xuống cấp đảm bảo hồ chứa luôn hoạt động bình thường; thực hiện nghiêm chế độ trực ban tại công trình 24/24 giờ và báo cáo về tình hình an toàn đập, hồ chứa hằng ngày trong các đợt mưa, lũ.
Để đảm bảo vận hành an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão, đến nay, tỉnh đã lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho 28 hồ, đập; lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc mực nước thấm cho 7/16 hồ; quan trắc đường bão hòa cho 9/16 hồ; thiết bị quan trắc mực nước, mốc quan trắc chuyển vị đập của 16/16 hồ chứa lớn và 48 trạm đo mưa tự động.
Bên cạnh những giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập, Yên Bái là một trong những tỉnh sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du của các hồ, đập, xác định được khả năng thoát lũ sau tràn từ các hồ chứa. Theo đó, tỉnh đã tính toán tuyến lũ quét và phạm vi dự kiến ngập lụt, từ đó xác định các khu vực phải sơ tán người và tài sản; xác định con đường ứng cứu, đường sơ tán và phương tiện trợ giúp sơ tán hiệu quả, nhanh chóng nhất.
Việc đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập trong mùa mưa lũ góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái, mùa mưa bão năm 2024 trên khu vực Biển Đông có từ 6 đến 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Yên Bái khoảng 2 đến 3 cơn bão gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: giông, sét, lốc, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các vùng đồi núi và ngập úng ở các vùng trũng thấp, đô thị.
Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi, đê, kè nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân khi có sự cố xảy ra và tích cực tham gia bảo vệ công trình.
Tổ chức phát quang mái, chân đê, kè, đập và trong phạm vi bảo vệ công trình để phục vụ công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ; giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông. Xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, kè, hành lang bảo vệ đê, kè gây ảnh hưởng đến an toàn đê, kè và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê, kè, nhất là tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ...
Sở NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, đề xuất danh mục các công trình cần sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình. Đối với những hồ chứa nước đã xây dựng quy trình vận hành thì rà soát đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình và vùng hạ du. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư, đơn vị có liên quan kịp thời giải quyết vướng mắc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành vượt lũ và tuyệt đối không cắt xẻ đê, kè và không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ; có phương án bảo đảm an toàn công trình, người và phương tiện thi công khi có lũ, bão.
Đơn vị khai thác công trình thủy lợi (Công ty TNHH Tân Phú): Bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn về quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo quy định; xây dựng quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình trước, trong và sau mùa mưa, lũ; trực ban và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình. Thực hiện giải tỏa các vật cản, phát quang phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đặc biệt đối với tràn xả lũ của hồ, đập; phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Tăng cường theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng thủy văn phục vụ chỉ đạo, vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập. Đối với đập, hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 trở lên (16 hồ): Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Cục Thủy lợi (địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn).
Bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong các trường hợp có sự cố vận hành, khai thác công trình thủy lợi; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du các hồ chứa khi có mưa lớn xảy ra. Nạo vét khơi thông hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra. Rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, rà soát đánh giá khả năng thoát lũ sau tràn các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.../
Thu An
Bình luận