Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ sáu, 24/05/2024 07:05
TMO - Là thành phố ven biển của miền Trung, Đà Nẵng đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây, những trận mưa cực đoan xuất hiện ngày càng tăng, gây ngập nước nhiều nơi. Từ thực tế đó, Đà Nẵng đã thấy rõ được bất cập về cao trình nền và hệ thống thoát nước của thành phố.
Thông tin từ Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đồ án thoát nước TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 31/1/2018, một số dự án đã và đang được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng giải quyết thoát nước và tình trạng ngập úng của thành phố.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, một số nội dung trong quy hoạch vẫn chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng của thành phố và hệ thống thoát nước mặt chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong giai đoạn gần đây, đặc biệt là trong năm 2022, 2023, tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan có cường độ lớn ngày càng nhiều, hầu như vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao nên đã xảy ra tình trạng ngập úng trên diện rộng trên địa bàn thành phố.
Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống làm giảm khả năng thoát nước. Tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy. o các đơn vị liên quan chưa thật sự chủ động trong việc rà soát, nạo vét cống thoát nước bảo đảm tính kịp thời, nhiều trường hợp chờ người dân phản ánh mới được xử lý.
Bên cạnh đó là tình trạng người dân xả rác xuống cống thoát nước (có trường hợp có cả nệm, mùng mền, ván tủ, gỗ ép...) hoặc tự ý che đậy, cải tạo làm lấp các cửa thu nước, làm giảm khả năng thu nước. Qua khảo sát thực tế của Sở Xây dựng trước mỗi trận mưa được dự báo có cường độ lớn cho thấy, có rất nhiều tuyến đường đã bị bịt cửa thu nước, nhiều cửa thu bị trám chỉ còn để lại một lỗ nhỏ, nước không thể thoát được.
Khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn. Ảnh: QH.
Hệ thống cống hiện trạng khu vực đô thị TP.Đà Nẵng dài khoảng gần 1.800km và gần 30km kênh mương hở. Trong đó khoảng 40km tuyến cống được xây dựng trước năm 1994, bằng loại đá hộc được che đậy bằng tấm đan bê tông cốt thép. Các tuyến cống được xây dựng sau này sử dụng các loại vật liệu có độ bền cao (bê tông cốt thép) và có kích thước phù hợp. Hầu hết cống thoát nước hiện trạng cũng như các dự án thoát nước của thành phố đã, đang được đầu tư theo quy hoạch chuyên ngành thoát nước được UBND thành phố phê duyệt năm 2018.
Theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, các tuyến kênh, cống thoát nước đều được tính toán thiết kế với chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán là 10 năm, 5 năm và 2 năm. Do vậy, với cường độ trận mưa lớn vào tháng 10/2022 và 10/2023 thì hệ thống thoát nước của thành phố không thể đáp ứng được, dẫn đến ngập trên diện rộng. Thời gian qua, mặc dù được sự quan tâm của Lãnh đạo thành phố trong việc ưu tiên đầu tư xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa; tuy nhiên hệ thống thoát nước vẫn chưa thể hoàn chỉnh để đáp ứng được yêu cầu về giải quyết triệt để ngập úng bởi tốc độ đô thị hóa tại thành phố Đà Nẵng đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu về nguồn lực đầu tư rất lớn.
Để giải quyết bài toán ngập úng đô thị, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các dự án thi công trên địa bàn thành phố, địa phương sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp chống ngập như Đối với các vị trí ngập úng do ảnh hưởng của dự án, công trình đang triển khai thi công, thành phố bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại công trình, thực hiện phương án xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời cho khu vực thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.
Đồng thời, chuẩn bị máy bơm di động xử lý kịp thời nơi ngập úng cục bộ tại khu vực dân cư thấp trũng; hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất trước mỗi trận mưa để dự trữ dung tích điều tiết cho hồ, đảm bảo xử lý cho khu vực lân cận như đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, tuyến cống sân bay ra đường Trưng Nữ Vương…
Về giải pháp lâu dài, UBND thành phố chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư Cơ sở hạ tầng ưu tiên và các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu lưu ý ưu tiên dành quỹ đất bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa, tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết, lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán cao hơn yêu cầu tối thiểu. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án chuyên ngành hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng (cải tạo, bổ sung các tuyến cống thoát nước trên địa bàn quận Thanh Khê và xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí qua kênh Phong Bắc thuộc quận Cẩm Lệ).
Hạ tầng thoát nước tại TP.Đà Nẵng còn bộc lộ nhiều bất cập cần được nâng cấp để ứng phó với điều kiện thời tiết trên địa bàn.
Thời gian qua, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng tổ chức lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồ án quy hoạch được điều chỉnh sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt.
Cùng với đó, xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng chống thiên tai có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Đồ án cũng xác định hành lang thoát lũ cho các sông trên địa bàn thành phố ứng với tần suất thiết kế 1%, 2%; xác định cao độ mức nước lũ của các sông ứng với tần suất lũ 1%, 2%, 5%, 10% với bề rộng sông phù hợp; xác định sơ bộ khối lượng đào, đắp của các khu vực. Ngoài ra, đồ án cũng xác định các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên; xác định tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn quy hoạch; xác định quy mô, nguồn vốn đầu tư và các giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng...
Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là căn cứ pháp lý giúp cho UBND thành phố, các sở, ban, ngành của thành phố quản lý thống nhất và thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo lộ trình ưu tiên, sát với tình hình thực tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, giảm thiểu ngập úng.
Đồ án này đã cụ thể hóa định hướng thoát nước theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời cũng phù hợp các quy hoạch phân khu; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố và các dự án đầu tư đã được duyệt. Do đó, để đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải thực thi nhiều hoạt động như: Triển khai thực hiện các dự án ưu tiên, kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước đô thị bền vững, đồng bộ và giảm thiểu ngập úng. Từng bước tập trung, giao các công trình liên quan trực tiếp hệ thống thoát nước cho đơn vị đầu mối quản lý hệ thống thoát nước đô thị để chủ động phục vụ công tác tiêu thoát nước đô thị theo quy hoạch.
Ngọc Lan
Bình luận