Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ năm, 24/03/2022 19:03
TMO - Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai xây dựng Dự án “Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám”. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và vùng ven bờ.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Tại một số địa phương ven biển, rác thải nhựa đã trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Theo đánh giá của Cục Điều tra và Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, khu vực ven bờ biển của Việt Nam có rất nhiều loại chất thải trôi nổi trên biển từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, đến chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, bệnh viện, chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, từ giao thông vận tải trên biển...
Ảnh minh họa
Bên cạnh những chính sách mang tính chiến lược của Đảng và Chính phủ đưa ra để hạn chế rác thải nhựa, thì ở nước ta hiện nay vẫn chưa có những công cụ thực sự hiệu quả để có thể giải quyết vấn đề này, do phạm vi giám sát quá rộng, các phương pháp quan trắc giám sát truyền thống khó có thể phủ trùm và thực hiện một cách thường xuyên.
Trước thực trạng trên, Cục Viễn thám quốc gia phối hợp với Tổng cục Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai xây dựng Dự án “Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám” trên phạm vi các khu vực ven biển và biển ven bờ Việt Nam, trong giai đoạn 2022-2024.
Tại Dự án này, Cục Viễn thám quốc gia sẽ sử dụng các loại ảnh chụp từ không gian với diện tích phủ trùm lớn, tần suất chụp lặp lại cao, cung cấp được thông tin thu nhận trên nhiều kênh phổ khác nhau để quan trắc trực tiếp trên biển.
Bên cạnh đó, Cục cũng sử dụng dữ liệu viễn thám SAR nhạy cảm với độ nhám của các đám rác thải nhựa so với bề mặt xung quanh để phát hiện, khoanh vẽ và giám sát các khu vực có ô nhiễm rác thải nhựa, các thành phần vi nhựa.
Theo nghiên cứu, các vật chất nhựa trôi nổi trên biển sẽ tạo ra môi trường sống cho các vi sinh vật. Hoạt động của các vi sinh vật trên bề mặt vật chất nhựa sẽ tạo ra các lớp màng sinh học và các vệt (mảng tối). Những màng sinh học và các vệt này có thể quan sát được trên ảnh radar (các mảng tối trên ảnh radar đen trắng) trong khi không thể nhận biết được trên ảnh quang học.
Do sự khác nhau rõ rệt về phản xạ phổ của rác thải nhựa so với môi trường xung quanh nên khi phân tích ảnh có thể sớm phát hiện, nhận dạng và phân loại rác thải nhựa trên biển. Việc áp dụng giải pháp kỹ thuật xử lý dữ liệu viễn thám kết hợp với mô hình mô phỏng sẽ giảm rõ rệt công tác khảo sát lấy mẫu trên biển, góp phần giảm chi phí nhân công, trang thiết bị, tàu thuyền.
Nga Huyền
Bình luận