Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 09/05/2025 02:05
Thứ năm, 08/05/2025 06:05
TMO - Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp đang được tỉnh Bắc Giang triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây được xem là hướng đi bền vững, phù hợp với xu thế hiện đại hóa nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.
Lãnh đạo Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) khẳng định, công nghệ sinh học là thành tựu của nhân loại, đóng góp hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp của thế giới trong nhiều thập kỷ, đặc biệt trong vòng 30 năm qua. Thế giới hiện có khoảng 200 triệu héc-ta trồng ứng dụng công nghệ sinh học (biến đổi gen, chuyển gen, chỉnh sửa gen...) với các loại cây trồng như đậu tương, ngô, bông, cải dầu...
Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam trồng hơn 1,3 triệu héc-ta cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương, bông). Có nhiều lợi ích khi canh tác, năng suất được bảo đảm, giảm công chăm sóc, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... từ đó giúp gia tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Nắm bắt được xu hướng đó, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp an toàn. Cụ thể, sau 2 năm thực hiện, đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Đề tài khoa học này đã xác định được chủng loại và sự lưu hành của vi-rút gây bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Từ đó hướng dẫn nhiều hộ chăn nuôi tại huyện Hiệp Hòa, thị xã Việt Yên xây dựng mô hình nuôi bò an toàn dịch bệnh. Hộ ông Nguyễn Văn Hoan, tổ dân phố Rãnh, phường Tự Lạn (thị xã Việt Yên) là một trong số các hộ tham gia mô hình. Từ năm 2022, nhờ áp dụng các giải pháp do nhóm nghiên cứu hướng dẫn, đàn vật nuôi không mắc bệnh, phát triển khỏe mạnh. Được biết, thời gian nuôi mỗi lứa gần 6 tháng; khi xuất chuồng, mỗi con nặng khoảng 400 kg, giá bán trung bình gần 30 triệu đồng/con.
Từ nuôi bò, gia đình ông Hoan có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện nhiều hộ khác ở các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn và thị xã Việt Yên cũng được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ sinh học trên đàn vật nuôi, công nghệ này còn được áp dụng trên các loài thực vật, cây gỗ quý hiếm. Trong đó, cây vù hương là loài cho giá trị kinh tế cao.
Những năm trước, số lượng loài không còn nhiều, chủ yếu phát triển tự nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (huyện Sơn Động). Để khôi phục, phát huy giá trị của cây vù hương, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng loại cây này trên địa bàn huyện Lục Ngạn nhằm chuyển giao nguồn giống tốt, các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 150 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cơ sở trên các lĩnh vực; trong đó 60 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có ứng dụng công nghệ sinh học. Phần lớn các dự án được công nhận hiệu quả áp dụng và nhân rộng trong thực tiễn; giúp giải quyết những hạn chế trong nông nghiệp như năng suất kém, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...
Các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học được người dân Bắc Giang tích cực triển khai. (Ảnh minh hoạ: LC).
Đến nay, Bắc Giang đã có 0,5 ha vườn ươm bằng hạt và bằng hom tại xã Tân Lập (Lục Ngạn) với hàng nghìn cây giống chất lượng và có 5 ha rừng trồng thâm canh vù hương ở cùng địa điểm.
Hơn 90% cây sinh trưởng khỏe mạnh, cao gần 5 m, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Mới đây, nhiều hộ dân trong và ngoài huyện đã quan tâm nhân giống, trồng vù hương cho giá trị kinh tế cao, chống xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục bám sát mục tiêu chung là phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, tuần hoàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn; xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến nông sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm; nghiên cứu thử nghiệm, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc tính ưu việt, chống chịu sâu, bệnh, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm tập trung các nguồn lực xã hội, các lợi thế của tỉnh để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực, phấn đấu đưa tỉnh Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển về công nghệ sinh học của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Ngày 5/01/2024 Tỉnh Ủy Bắc Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, theo đó đặt ra 2 mục tiêu.
Cụ thể, đến năm 2030 Bắc Giang nằm trong nhóm 03 tỉnh đứng đầu Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực: Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học đóng góp từ 10% trở lên vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2045 hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghiệp sinh học có quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng lớn: Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển của cả nước, hình thành một số trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đối mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu miền Bắc…/.
Mai Trang
Bình luận