Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ tư, 31/05/2023 07:05
TMO - Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng công nghệ 4.0 trong thu gom, xử lý, quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM được xem là giải pháp tối ưu góp phần tiết kiệm chi phí hoạt động, đồng thời nâng cấp mô hình quản lý rác thải thông minh của thành phố.
Trung bình mỗi ngày TP. HCM phải xử lý khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Việc phải xử lý khối lượng rác thải vô cùng lớn, kèm theo việc gia tăng thường xuyên khiến công tác quản lý, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết áp lực ngày càng lớn về quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, TP.HCM đã đưa vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI đến 2025 phải xử lý ít nhất 80% rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế.
Ngoài ra, việc quản lý rác thải và số hóa dữ liệu giúp cấp phường, xã quản lý rác thải theo địa bàn hiệu quả và dễ dàng hơn. Hiệu quả rất rõ ràng của chuyển đổi số trong lĩnh vực này sẽ giúp nhà nước bù thu ngân sách quản lý tốt hơn khi số tiền vận chuyển rác thải phải thu đối với hộ gia đình và chủ nguồn thải hiện nay đang gặp áp lực rất lớn.
Hiện nay, lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 60%, gồm 162 công ty tư nhân, 17 hợp tác xã, hai nghiệp đoàn và hơn 2.120 tổ lấy rác dân lập, chủ yếu chịu trách nhiệm thu gom rác tại hộ gia đình, từ nguồn thải nhỏ lẻ trong hẻm. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc thu gom và vận chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Theo đánh giá của đơn vị hỗ trợ TP.HCM phát triển phần mềm GRAC (thực hiện chuyển đổi số trong quản lý rác thải), việc kiểm soát, quản lý chất thải sinh hoạt theo cách truyền thống còn nhiều hạn chế.
Đơn vị thu gom rác thải chủ yếu vẫn quản lý số liệu, danh sách các hộ dân bằng sổ sách giấy tờ, file excel, ghi nhớ..., có thể dẫn đến mất số liệu và khó khôi phục lại. Việc báo cáo số liệu thụ động khiến nhân viên mất thời gian làm báo cáo và khó chuyển giao, phân quyền công việc giữa nhân viên; không kiểm soát hết hiệu quả hoạt động của công nhân vệ sinh cũng như đánh giá, mức độ hài lòng của người dân. Về nguyên tắc, việc thu gom, xử lý rác đòi hỏi sự tham gia của ba bên: Hộ gia đình, đơn vị thu gom và cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người dân chưa có kênh thông tin thuận tiện để kết nối với chính quyền, cơ quan chức năng về vấn đề rác sinh hoạt.
TP.HCM hướng đến mục tiêu số hóa dữ liệu trong công tác thu gom rác thải (Ảnh minh họa).
Trước thực trạng trên, việc áp dụng phần mềm quản lý rác thải và số hóa dữ liệu sẽ là phương án khả thi giúp cán bộ cấp phường, xã quản lý rác thải trên địa bàn hiệu quả, dễ dàng hơn. Theo đó, phần mềm GRAC hỗ trợ chuyển đổi số trong quản lý rác thải được phát triển trên hai nền tảng: web dành cho cơ quan quản lý và di động cho người dân.
Trên nền tảng web, GRAC cung cấp công cụ quản lý như hợp đồng thu gom, nhân viên, lịch sử thanh toán, thông báo, phản ánh của hộ dân... một cách hiệu quả nhất cho đơn vị thu gom rác thải và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, phần mềm còn hỗ trợ quản lý phương tiện thu gom rác của từng đơn vị thu gom trên địa bàn, kịp thời xử lý tình trạng đi sai tuyến thu gom, bỏ điểm thu, tranh chấp; hỗ trợ đánh dấu và thống kê danh sách địa chỉ phân loại rác tại nguồn, có thể xuất/nhập danh sách theo từng địa bàn quản lý...
Trên nền tảng di động, ứng dụng GRAC có tên gọi “GRAC tặng đồ và phân loại rác” với chức năng chính như quản lý hộ dân/quản lý xe rác; tra cứu tiền rác hàng tháng; thanh lý phế liệu (ve chai); hướng dẫn phân loại rác... Ngoài ra, ứng dụng còn có cổng thanh toán điện tử để hỗ trợ thanh toán tiền rác không dùng tiền mặt.
Cụ thể, phần mềm quản lý rác thải và số hóa dữ liệu giúp cán bộ phường, xã quản lý địa bàn hiệu quả và dễ dàng hơn. Việc sử dụng phần mềm sẽ giúp nhà nước bù thu ngân sách quản lý tốt hơn khi số tiền vận chuyển rác thải phải thu đối với hộ gia đình và chủ nguồn thải rất lớn. Về lâu dài, phần mềm sẽ đồng bộ dữ liệu với các phần mềm khác của thành phố và được sử dụng cho việc quy hoạch về quản lý đô thị, đô thị thông minh, hoạch định chiến lược liên quan tới từng địa phương và toàn thành phố.
Theo đơn vị phát triển phần mềm, với việc áp dụng mô hình chuyển đổi số hiện nay để kết nối người dân, chính quyền và đơn vị thu gom thì TP.HCM có thể triển khai hoạt động phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đến nay, các Quận 3, 4, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và phường Tân Định (Quận 1) ứng dụng đại trà phần mềm để quản lý rác thải. Các quận, huyện còn lại cùng thành phố Thủ Đức đang triển khai công đoạn số hóa dữ liệu để đến cuối năm nay, toàn bộ khu vực nội thành TP.HCM có thể hoàn thành chuyển đổi số rác thải sinh hoạt.
Thu Hồng
Bình luận