Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 03:04
Thứ bảy, 29/03/2025 11:03
TMO - Chuyển đổi số việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo và vùng bờ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hiệu quả các mục tiêu tại Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030 nhấn mạnh tới mục tiêu quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái vùng bờ...
Kế hoạch triển khai Quy hoạch đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030 gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; triển khai phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên và phát triển các ngành kinh tế biển ở vùng bờ; điều tra, đánh giá tài nguyên vùng bờ phục vụ nhu cầu bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng bờ; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường phát triển nguồn nhân lực.
Trong đó, Kế hoạch thực hiện tổ chức thực hiện phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; hoàn thành việc thiết lập và cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đồng thời, thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển đa mục tiêu, đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ về phát triển thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số vùng ven biển theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(Ảnh minh họa).
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo và vùng bờ; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo quốc gia tập trung, thống nhất.trong đó có dữ liệu về quy hoạch; công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên, môi trường, hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc giám sát thực hiện quy hoạch, điều tra, đánh giá, dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ngăn ngừa, giảm thiểu xói lở bờ biển và phòng, chống thiên tai, sự cố môi trường; ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học trong quản lý, điều tra, quan trắc, theo dõi, kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học biển.
Xây dựng và hoàn chỉnh các trạm quan trắc môi trường tự động tại các vùng cửa sông, ven biển; tăng cường nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại trong chuyển đổi sản xuất năng lượng theo hướng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ít phát thải khí nhà kính. Đẩy mạnh việc triển khai Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Theo Cục Viễn thám quốc gia, tư liệu viễn thám là nguồn thông tin rất quan trọng cho nhiều lĩnh vực như bản đồ, điều tra và quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Với ưu thế phong phú thông tin, phản ánh một cách chính xác sự phân bố và trạng thái của các đối tượng trên mặt đất, mặt nước cũng như các mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các đối tượng cùng các hoạt động nên công nghệ này đã bao quát được hầu hết các mặt đời sống, kinh tế - xã hội khi có được hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu, nhận, phân tích ảnh.
Đến thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ viễn thám đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên trước hết là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám của Bộ Nông nghiệp và Môi trường từng bước đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Đặc biệt, kết quả của Dự án “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng” đã cung cấp thông tin chi tiết, chính xác và cập nhật tình hình khai thác sử dụng các đảo trên một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ của Việt Nam bằng phương pháp sử dụng công nghệ viễn thám, nhằm bảo vệ và giữ vững chủ quyền trên biển, góp phần đưa Luật Biển Việt Nam vào đời sống.
Dự án thực hiện các nội dung và hoạt động tại các vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ gồm thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh viễn thám; mua ảnh viễn thám phân giải cao; thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn 1:5.000 tới độ sâu 20m nước; thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000 (khu vực chưa có ảnh để thực hiện thuộc Dự án “Giám sát tài nguyên môi trường biển hải đảo bằng công nghệ viễn thám”).
Ngoài ra, Dự án còn thiết lập cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý và chuyên đề tài nguyên-môi trường biển gồm các nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000 tới độ sâu 20m nước một số đảo trọng điểm; tích hợp cơ sở dữ liệu thành phần bản đồ địa hình 1/25.000 vào “hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên-môi trường biển, hải đảo Việt Nam”...
Dự án đã hoàn thành thực hiện các bình đồ ảnh tỷ lệ 1:5.000 và bình đồ ảnh viễn thám tỷ lệ 1:25.000 tại các vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ của Việt Nam. Đồng thời, Dự án cũng đã hoàn thành Bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000 độ sâu đến 20m và Bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000 tại một số đảo trọng điểm xa bờ; hoàn thành các cơ sở dữ liệu địa hình, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám tại các vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ này.../.
Mai Quyên
Bình luận