Hotline: 0941068156
Thứ hai, 31/03/2025 19:03
Thứ năm, 27/03/2025 06:03
TMO - Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác dự báo, cảnh báo phải nhanh chóng, chính xác. Trong bối cảnh đó, ngành Khí tượng Thuỷ văn đã đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), và Big Data vào công tác quan trắc, dự báo góp phần đưa ra dự báo kịp thời những hình thái thời tiết khắc nghiệt trong thời gian sớm nhất.
Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ và chuyển đổi số, ngành Khí tượng Thủy văn đã từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn - Big Data và chuyển đổi số vào công tác quan trắc, dự báo.
Ngành Khí tượng Thuỷ văn đã triển khai thành công nhiều dự án quan trọng nhằm nâng cấp hệ thống quan trắc, hiện đại hóa công nghệ dự báo, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ. Tuy nhiên, ngành cũng có những hạn chế như hệ thống quan trắc chưa đồng bộ, năng lực dự báo cần tiếp tục cải thiện và nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu...Lãnh đạo Cục Khí tượng Thuỷ văn đề nghị, ngành cần tiếp tục đổi mới, hợp tác và đầu tư mạnh mẽ hơn để phục vụ tốt hơn, đảm bảo tất cả mọi người và mọi tài sản của nhân dân, của nhà nước đều được bảo vệ, trong đó tập trung vào việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW, ưu tiên ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT) vào công tác khí tượng thủy văn.
Bên cạnh đó phát triển mạng lưới quan trắc hiện đại, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về chia sẻ dữ liệu. Cùng với đó, ngành tập trung nâng cao năng lực dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai đảm bảo thông tin kịp thời và chính xác.
Đồng thời phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trẻ để đáp ứng yêu cầu mới; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của khí tượng thủy văn trong phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nhân lực. Chú trọng phát triển các công nghệ dự báo, cảnh báo hiện đại tiệm cận với các nước phát triển về khí tượng thủy văn như mô hình số phân giải cao dự báo bão, dự báo mưa, lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Tích hợp các tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai vào các phương án dự báo khí tượng thủy văn; tiếp nhận, phát triển các công nghệ, quy trình dự báo tiên tiến, hiện đại của các nước. Trong thời gian tới, Cục Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam” và Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Phấn đấu đan dày mạng lưới trạm đến năm 2030, mật độ bình quân trên toàn mạng lưới đạt mức ngang bằng với các nước phát triển khu vực châu Á; tỷ lệ tự động hóa đạt trên 95%...Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ngày nay, công nghệ mới kết hợp với bộ dữ liệu khổng lồ về khí tượng thủy văn đang thay đổi cách thức cung cấp cảnh báo sớm thiên tai. Thực tế những năm qua cho thấy AI và các cải tiến công nghệ khác đã đem lại nhiều lợi ích.
Chuyển đổi số trong công tác dự báo, cảnh báo, góp phần lên kế hoạch ứng phó kịp thời.
Trong đó, khả năng số hóa và lưu trữ dữ liệu khí hậu lịch sử ngày càng lớn đã giúp nâng cao độ chính xác của dự báo dài hạn và phục vụ xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai xa. Tại Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng AI trước mắt là đối với dự báo bão, mưa và các hiện tượng nguy hiểm ít xảy ra theo quy luật. Đến nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) bước đầu đã đưa AI vào mô hình dự báo cường độ bão.
Lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, kết quả ban đầu của việc đưa AI vào mô hình trên rất khả quan với độ chính xác cao hơn các công cụ truyền thống. Mô hình này sẽ được ngành Khí tượng Thủy văn đưa vào triển khai trong mùa bão lũ 2025. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đang thử nghiệm ứng dụng AI cho các dự báo thủy văn, lũ, ngập lụt dựa trên các yếu tố đầu vào, bao gồm: Dự báo, quan trắc, các yếu tố tự nhiên, vận hành hồ chứa...
Hiện nay xu hướng và tốc độ phát triển AI trên thế giới rất nhanh, nên Việt Nam có thể tiếp cận ngay với những công nghệ mới. Ở trong nước cũng đã có định hướng lớn của Đảng và Chính phủ. Trong đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" sẽ là điểm đột phá về chính sách, phá bỏ rào cản để phát triển khoa học công nghệ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, thiên tai trong thời gian tới được dự báo khó lường, cực đoan - việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm đóng vai trò hết sức quan trọng, đảm bảo cho hệ thống cảnh báo sớm hoạt động hiệu quả từ trung ương đến địa phương.
Trong cảnh báo sớm, hệ thống thông tin truyền tin yêu cầu độ trễ phải ngắn nhất. Khi có thông tin dữ liệu quan trắc truyền về, các chuyên gia dự báo sẽ dựa trên công cụ, mô hình, tính toán khác nhau để phân tích và đưa ra nhận định dự báo. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các trạm quan trắc trong hệ thống mạng lưới trạm phải được triển khai thực hiện quan trắc đồng bộ, thống nhất, qua đó góp phần cảnh báo, dự báo mọi hình thái thiên tai nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
Ngọc Vân
Bình luận