Hotline: 0941068156
Thứ năm, 17/04/2025 00:04
Thứ tư, 05/03/2025 06:03
TMO - Với lợi thế nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đa dạng các loại cây trồng, những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, tăng cường hoạt động quảng bá trên môi trường số, giúp nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện đại.
Ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới, phát huy thế mạnh của sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Trong thời gian qua, với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ về chuyển đổi số đã góp phần tạo nên phong trào chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương tỉnh Gia Lai, từ đó đã có nhiều vùng sản xuất hàng hóa được hình thành. Nếu trước đây, bà con nông dân chủ yếu bán sản phẩm qua thương lái và các chợ truyền thống. Thì ngày nay, sự phát triển của công nghệ, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội để quảng bá, đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tận dụng những lợi thế đó, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động hướng dẫn hội viên nông dân đưa nông sản lên các nền tảng thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Voso.vn, Postmart.vn... Đơn cử, Hội Nông dân huyện Chư Păh tích cực phối hợp với các hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn vận hành hiệu quả điểm trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện đặt tại thôn 1, xã Nghĩa Hưng.
Dù mới đi vào hoạt động nhưng điểm bán hàng đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Nhiều du khách khi tham quan hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh cũng ghé mua hàng. Nhiều người sau đó đã gọi điện đặt hàng với số lượng lớn để về dùng và tặng người thân, bạn bè. Bên cạnh đó, theo Đại diện Hội Nông dân huyện Chư Păh, để giúp các chủ thể sản xuất có kiến thức, kỹ năng quản lý và tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh.
Đặc biệt là giải pháp thu hút khách hàng, kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu và xây dựng hình ảnh. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện khai thác lợi thế công nghệ thông tin, hướng dẫn nông dân đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá đến người tiêu dùng, giải tỏa phần nào áp lực trong tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất nông sản OCOP được người dân tích cực chọn mua và tham quan. (Ảnh: LM).
Cùng với huyện Chư Păh, Hội Nông dân huyện Ia Grai cũng đã tích cực làm cầu nối gắn kết nông dân với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… Đại diện Hội Nông dân huyện Ia Grai-thông tin, với việc hỗ trợ này, các sản phẩm của bà con nông dân được cộng đồng biết đến nhiều hơn.
Một số đại lý lớn, siêu thị đã quan tâm khảo sát để đặt hàng với số lượng lớn. Mặt khác, Hội Nông dân huyện xúc tiến đưa các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố; tích cực tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ, ngày hội văn hóa trong và ngoài huyện.
Qua đó, hội viên nông dân không chỉ có thêm cơ hội chia sẻ kinh nghiệm mà còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đưa sản phẩm không ngừng vươn xa. Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản, các cấp Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đại diện Hội Nông dân huyện Phú Thiện chia sẻ, ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp quảng bá rộng rãi sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng mà còn là động lực để nông dân ngày càng cải tiến kỹ thuật sản xuất nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Hàng năm, Hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo, tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu, cách thức quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội ký kết chương trình phối hợp với Sở Công thương về phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2024-2028.
Hội còn phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thông qua đó, các cấp Hội đã cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ nông dân trong quảng bá và tiêu thụ nông sản, mở rộng cơ hội giao thương nông sản hàng hóa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP, bên cạnh việc xúc tiến, quảng bá tiêu thụ, các chủ thể cũng chú trọng đầu tư nâng tầm sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới, tính đến tháng 12/2024 toàn tỉnh Gia Lai hiện có 430 sản phẩm được công nhận OCOP gồm 67 sản phẩm 4 sao và 363 sản phẩm 3 sao...
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ các chủ thể về kiểm nghiệm, bao bì, nhãn mác, nhất là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng nông thôn theo hướng bền vững.
Thu Hương
Bình luận