Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/04/2025 02:04
Thứ bảy, 19/04/2025 06:04
TMO - Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời đại công nghệ, tỉnh Bình Phước đang tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; góp phần lưu giữ lâu dài giá trị lịch sử, mở rộng khả năng tiếp cận của công chúng, lan tỏa mạnh mẽ bản sắc văn hóa địa phương.
Trên địa bàn Bình Phước có nhiều di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cùng nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị trường tồn. Tính đến tháng 3/2025, toàn tỉnh Bình Phước có 47 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh những di tích lịch sử cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nổi bật tại các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh như: Lộc Ninh, Phước Long, Đồng Xoài…, Bình Phước còn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có tiềm năng phát triển du lịch như núi Bà Rá, thác Đắk Mai 1, thác Đứng…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách, hiện nay, tỉnh Bình Phước ngày càng chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt tại các điểm di tích lịch sử, mục tiêu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản và đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng.
Đây được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, góp phần đưa văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Một trong những điển hình tiêu biểu cho xu hướng này là công trình thanh niên thông tin số hóa Đền thờ Vua Hùng tại huyện Phú Riềng. Năm 2023, Huyện đoàn Phú Riềng phối hợp Đoàn thanh niên đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn triển khai ra mắt công trình thanh niên thông tin số hóa Đền thờ Vua Hùng, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về di tích thông qua mã QR.
Nếu so với mô hình phải có người thuyết minh và hướng dẫn du khách tham quan thì giờ đây, khi đến Đền thờ Vua Hùng, tại huyện Phú Riềng du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR, từ đó có thể nhanh chóng truy cập các thông tin cần thiết về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của di tích.
Việc sử dụng mã QR là một phương thức truyền tải thông tin hiệu quả và hiện đại, giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Quá trình thực hiện công trình ý nghĩa này, đội ngũ triển khai đã khảo sát thực tế tại đền để nắm bắt thông tin về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích; xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc số hóa thông tin, bao gồm: Xác định các thông tin cần số hóa; lựa chọn hình thức số hóa (mã QR, audio, đồ họa); thiết kế giao diện và nội dung thông tin.
Sau đó, đoàn đã tiến hành số hóa thông tin bằng mã QR với 3 hình thức đồ họa tiếng Việt, audio, đồ họa tiếng Anh. Trong đó các thông tin được số hóa chủ yếu về lịch sử quá trình hình thành và xây dựng đền, cấu trúc của đền, các thông tin liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng.
Đặc biệt, tất cả thông tin được kiểm tra kỹ để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ. Trong quá trình vận hành, đoàn thanh niên tiếp tục duy trì và cập nhật thông tin trên hệ thống số hóa để đảm bảo tính chính xác và hữu ích cho du khách. Sau thời gian công trình số hóa thông tin tại Đền thờ Vua Hùng đưa vào sử dụng, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Du khách trải nghiệm quét mã QR tìm hiểu thông tin chi tiết tại Đền thờ Vua Hùng (huyện Phú Riềng).
Việc số hóa giúp du khách chủ động tìm hiểu về lịch sử và đặc trưng văn hóa của đền nhanh chóng và thuận tiện. Người dân có thể lựa chọn trải nghiệm tham quan với nhiều hình thức qua âm thanh, hình ảnh và văn bản. Việc tích hợp thông tin đa ngôn ngữ bởi sẽ giúp du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ về di tích, góp phần nâng cao trải nghiệm du lịch văn hóa. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Việc ứng dụng công nghệ số vào quảng bá các địa điểm du lịch văn hóa như Đền thờ Vua Hùng đã góp phần nâng cao hình ảnh du lịch của địa phương, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan trong tương lai.
Từ những điểm lắp đặt bảng thông tin điện tử thiết kế bắt mắt, du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin phong phú về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của di tích. Du khách còn có thể biết thêm về các nghi lễ, truyền thuyết và những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Công trình số hóa Đền thờ Vua Hùng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng và du khách, bởi mô hình không chỉ giúp tìm hiểu về lịch sử mà còn khiến mỗi người cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với văn hóa dân tộc. Chưa kể công trình đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên địa phương, khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Đại diện Huyện đoàn Phú Riềng cho biết, đoàn thanh niên sẽ tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin mới về Đền thờ Vua Hùng, đảm bảo tính chính xác và đầy đủ hơn.
Đồng thời sẽ phát triển thêm các tính năng mới như bản đồ 3D, tour tham quan ảo, hoặc các ứng dụng tương tác để nâng cao trải nghiệm của du khách. Ngoài Đền thờ Vua Hùng, Phú Riềng sẽ mở rộng ứng dụng mã QR để cung cấp thông tin về các di tích lịch sử và địa điểm du lịch khác trên địa bàn huyện.
Việc thực hiện số hóa di tích Đền thờ Vua Hùng không chỉ đáp ứng xu hướng số hóa di tích mà còn mở ra một phương tiện mới, hiệu quả bảo tồn văn hóa và vai trò cầu nối giữa quá khứ - hiện tại.
Việc số hóa các di tích lịch sử tại Bình Phước mang nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ trong công tác bảo tồn di sản mà còn góp phần quan trọng vào giáo dục truyền thống, phát triển du lịch. Thông qua nền tảng số, di tích được “mở cửa” cho công chúng mọi lúc, mọi nơi. Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể tìm hiểu về lịch sử địa phương, nhân vật cách mạng, sự kiện trọng đại… một cách sinh động và trực quan, từ đó nâng cao nhận thức và lòng tự hào dân tộc.
Trọng Khải
Bình luận