Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 09:09
Thứ ba, 14/05/2024 14:05
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục khẳng định là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí nâng cao thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình OCOP ở Thái Bình đạt được những kết quả nhất định, từ đó nâng cao giá trị nhiều sản phẩm, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm 4 sao, 135 sản phẩm 3 sao. Chương trình đã thu hút 128 cơ sở, trong đó có 37 doanh nghiệp, 48 HTX và 43 hộ kinh doanh tham gia, tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu: nuôi trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm. Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu (như VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học...), khả năng hội nhập toàn cầu có tiềm năng rất lớn.
Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20 - 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%. Các chủ thể tham gia chương trình đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại khu vực nông thôn.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh khai thác lợi thế trong phát triển sản phẩm OCOP.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Thái Bình, áp lực cạnh tranh đã khiến các chủ thể thực hiện OCOP phải luôn tư duy, đổi mới, sáng tạo cải tiến, hoàn thiện hay phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng và nhu cầu mua các sản phẩm truyền thống, đặc sản và sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống vùng quê, làng nghề truyền thống tăng cao... là điều kiện thúc đẩy các sản phẩm OCOP phát triển.
Kiến Xương là địa phương giàu tiềm năng với nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng. Để nâng tầm giá trị và đưa sản phẩm địa phương vươn xa hơn, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực. Đến nay, huyện Kiến Xương có 16 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Chương trình OCOP được xác định là giải pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ các chủ thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu. Việc này sẽ giúp phân biệt sản phẩm OCOP với các sản phẩm cạnh tranh cùng loại và cũng tạo động lực cho các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Sau gần 5 năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Thái Thụy có 40 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3- 4 sao, chủ yếu với 3 nhóm chủ lực: Nhóm thực phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Năm 2024 huyện phấn đấu có 5 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên, bao gồm: Khoai tây lốc xoáy, chả cá viên chiên, xúc xích (Dương Phúc); trà sen (Thụy Văn); lạc đỏ (Hoà An).
Thực hiện mục tiêu trên huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức đến người dân, cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế; đồng thời hướng dẫn các chủ thể có các sản phẩm đăng ký ý tưởng tham gia; phát triển sản phẩm theo hướng tiếp cận thị trường, chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc gắn sản xuất với chế biến; thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, gắn với tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Huyện Vũ Thư đặt mục tiêu có trên 80% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024 được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó lựa chọn 1 sản phẩm đạt 70 điểm trở lên đăng ký với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Bình đánh giá, phân hạng sản phẩm 4 sao. Theo đó, huyện Vũ Thư sẽ khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn trên 8 chủ thể ở các xã: Tân Hòa, Tân Phong, Duy Nhất, Vũ Hội, Hòa Bình, Nguyên Xá... đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024.
Củng cố và phát triển 60-70 tổ chức kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ sản xuất để mở rộng quy mô sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để đạt được những mục tiên trên, huyện Vũ Thư tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cho người dân khi triển khai, thực hiện.
Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát tổng hợp, đánh giá, lựa chọn các cơ sở có sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn để đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình; hướng dẫn các chủ thể xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; các quy định về bao bì đóng gói, nhãn mác sản phẩm hàng hoá; về bảo vệ môi trường trong sản xuất; về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai Chương trình về xây dựng thương hiệu; hướng dẫn các chủ thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề…
Sản phẩm OCOP được đánh giá tạo động lực góp phần phát triển kinh tế nông thôn tại tỉnh.
Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình cho biết: Đa phần sản phẩm OCOP của tỉnh đều được phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để phát triển và đẩy mạnh hệ thống tiêu thụ. Do đó, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ của tỉnh và sự chủ động đầu tư của các thành phần kinh tế, các sở, ngành đã tích cực tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; tạo điều kiện, hỗ trợ chủ thể tham gia gian hàng tại hội chợ, gian hàng trên sàn thương mại posmart.vn và voso.vn…
Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Bình, tổ chức hội nghị đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho gần 70 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhập trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho 36 tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và sản phẩm khoa học công nghệ để cập nhật thông tin trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh…
Năm 2024 tỉnh phấn đấu có trên 80% số sản phẩm đăng ký tham gia OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, lựa chọn 1 sản phẩm đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; đồng thời duy trì, củng cố, nâng cấp 50% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển 60-70 tổ chức kinh tế (gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) và hộ sản xuất để mở rộng quy mô sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Để chương trình OCOP lan tỏa và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, các sở, ngành chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình OCOP, chủ trì triển khai các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn các hoạt động của ngành với phát triển các sản phẩm OCOP. Hướng dẫn chủ thể OCOP ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện sản phẩm OCOP thuộc ngành quản lý.
Sau 6 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã mang lại nguồn lợi về kinh tế, thu nhập bền vững cho người dân nông thôn; đồng thời góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà nó còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 4/2024, 63 tỉnh, TP của cả nước đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong số này, có 73,9% sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 24,7% sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.
Thanh Nga
Bình luận