Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 11:01
Thứ bảy, 20/07/2024 12:07
TMO - Với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) như xây dựng hệ thống chuẩn hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 128 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 94 sản phẩm 3 sao, 32 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại và hầu hết là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương. Trong đó nổi bật là những sản phẩm chế biến từ thủy sản (nước mắm truyền thống, các loại hải đặc sản), thanh long (sấy khô - dẻo, mứt, rượu - nước giải khát...) hoặc sản phẩm từ tổ yến và đa dạng sản phẩm từ nông sản khác...
Bình Thuận được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Với sự quyết tâm, sáng tạo và nỗ lực của các chủ thể, bước đầu đã tạo ra những sản phẩm mang đậm hương vị của một Bình Thuận rất đặc trưng: từ hạt gạo của vùng núi Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh; các sản phẩm từ trái thanh long của Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đến sản phẩm nước mắm, hải sản các loại của Phan Thiết, Phú Quý…
Các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại và hầu hết là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chương trình OCOP, các chủ thể đã quan tâm nhiều hơn về nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất…Từ việc sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sức bật cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian qua, huyện Hàm Tân đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP với mục tiêu từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng để nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cải thiện đời sống người dân.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình OCOP của huyện Hàm Tân, năm 2024, huyện sẽ phấn đấu có thêm từ 8-11 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm công nhận lại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP, phối hợp tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các hình thức trực tiếp tại các điểm du lịch, hội chợ, triển lãm tại các tỉnh trong nước và trực tuyến trên các sàn giao dịch điện tử. Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với lịch sử, văn hóa của địa phương...
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP vừa được UBND huyện Tánh Linh ban hành, năm nay địa phương phấn đấu có thêm từ 15 - 19 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên. Cùng với đó sẽ kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận và nâng hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng (trong đó có từ 2 - 6 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia chấm điểm 4 sao cấp tỉnh). Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì địa phương tập trung chọn ý tưởng sản phẩm và hướng dẫn tham gia chương trình, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc hoặc mang nét đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của huyện miền núi Tánh Linh.
Với những sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng sao sẽ củng cố, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại... nhằm chọn lựa sản phẩm tiềm năng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, nâng hạng. Được biết thời gian qua đã có nhiều sản phẩm đặc trưng của Tánh Linh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và huyện, có thể kể đến: Gạo Đức Lan, chả cá thát lát, thịt thỏ sấy gác bếp, tinh bột nghệ Đông Đan, các sản phẩm từ ớt… Mới đây địa phương tiếp tục tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Tánh Linh (đợt 1) năm 2024 cho một số sản phẩm như gạo ST 25, yến sào tinh chế, sầu riêng của một tổ hợp tác trên địa bàn huyện.
Tại huyện Tuy Phong, toàn huyện đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đó là: Gạo Sông Lòng Sông; táo Phong Phú; nho Hồng Nhật - Phước Thể và 2 sản phẩm Rượu vang thanh long – xã Chí Công vừa được công nhận năm 2024. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, huyện sẽ tiếp tục đăng ký và phát triển thêm 2 sản phẩm là Táo xanh sấy dẻo và Chả quế, chả lụa tại xã Bình Thạnh.
Việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Được sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các sở, ngành tỉnh, chương trình OCOP ở huyện thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường...
Trong năm 2024, tỉnh Bình Thuận sẽ phát triển mới thêm 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Trong năm 2024, tỉnh Bình Thuận sẽ phát triển mới thêm 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận và nâng hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng, trong đó phấn đấu có 2 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia chấm điểm 5 sao cấp quốc gia.
Cùng với đó, nâng tỷ lệ chủ thể OCOP là hợp tác xã lên 35%, củng cố và giữ vững tỷ lệ chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu có 1 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với chuỗi giá trị và xây dựng 1 dịch vụ du lịch cộng đồng và nâng cấp 1 điểm bán hàng OCOP hiện có và hỗ trợ thêm 2 điểm/trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đồng thời, tổ chức cho các chủ thể tham gia từ 3-5 hoạt động xúc tiến thương mại ngoài tỉnh nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, hướng đến xuất khẩu...
Tỉnh sẽ ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, tìm kiếm vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm, nhưng chất lượng, mẫu mã bao bì thiếu cải tiến).
Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hàng hóa đúng quy định.
Để phát triển mới sản phẩm OCOP, UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế hướng dẫn chủ thể thực hiện đầy đủ theo quy định các bước chu trình OCOP. Còn với các sản phẩm đã có sẽ hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng hồ sơ tham gia dự thi đánh giá, phân hạng các cấp. Riêng với các sản phẩm nâng cấp, thăng hạng từ 3 sao các địa phương sẽ rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh để hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp lên hạng sao cao hơn, đặc biệt là các sản phẩm tiềm năng 5 sao.../.
Thu Huyền
Bình luận