Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 16/08/2023 07:08
TMO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta, tuy nhiên, thực trạng liên kết còn chậm đòi hỏi triển khai các giải pháp để nâng cao tính bền vững.
Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế; kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc; chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành Nông nghiệp... điều này đòi hỏi việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp cần được đẩy mạnh triển khai. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta.
Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng nông sản và chuyển sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận, thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
Chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Ảnh: CĐ.
Vấn đề đặt ra là phải nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp hay thương lái bỏ cọc. Nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó phát triển ngành logistics cũng như không thể số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, khi hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và tạo giá trị lan tỏa nhiều nhất. Do đó, trong thời tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn, bền vững hơn.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kinh tế hợp tác, hợp tác xã nếu được phát huy hiệu quả sẽ giải quyết tốt bài toán liên kết, giải quyết chuỗi liên kết một cách bền vững. Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến hết năm 2022 cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp. Theo thống kê của các tỉnh, thành phố, hiện có 815 chuỗi liên kết từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm với 290 hợp tác xã nông nghiệp tham gia; có 770 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với 361 hợp tác xã nông nghiệp tham gia; có 367 chuỗi liên kết chế biến gắn tiêu thụ sản phẩm với 208 hợp tác xã tham gia...
Liên quan đến xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong những năm qua giá trị hàng hóa và giá trị xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của chúng ta cũng như đóng góp vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta đóng vai trò quan trọng, khẳng định được vị trí vững chắc trên trường quốc tế. Hiện chúng ta đã xuất khẩu trên 224 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, trong đó một số mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra, đồ gỗ đã chiếm thị phần khá lớn trên thế giới.
Việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế.
Tuy nhiên, nền kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nuôi trồng diễn ra tự phát, manh mún và theo phong trào dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bộ trưởng cũng cho rằng, do tổ chức sản xuất manh mún khiến chất lượng nông thủy sản của nước ta không đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Còn thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom chế biến, tiêu thụ.
Thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường, điệp khúc được mùa mất giá thì vẫn cứ diễn ra. Xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh. Phát triển thương mại nông, lâm thủy sản chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức thị trường trong nước với 100 triệu người tiêu dùng và khả năng tiêu thụ các loại hàng hóa ở các phân khúc khác nhau là rất lớn.
Để khắc phục được tình trạng nêu trên, thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành. Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với những tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kể cả những thị trường truyền thống và thị trường mới còn nhiều tiềm năng; xây dựng nội dung đàm phán về mở cửa thị trường, kiểm dịch động thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam và các tiêu chuẩn hàng Việt Nam xuất đi các thị trường khác.
Còn đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa nhà cung ứng, của nhà phân phối; tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương để thúc đẩy các địa phương tiêu thụ sản phẩm của nhau; kết nối các nhà cung ứng nguyên vật liệu với các nhà chế biến nông sản.
Hồng Hạnh
Bình luận