Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 11:11
Thứ năm, 23/06/2022 16:06
TMO - Những năm qua, một bộ phận khách du lịch có xu hướng mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, điều này gây áp lực không nhỏ đến môi trường và hệ sinh thái. Vì thế, việc đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ động vật hoang dã trong phát triển du lịch cần được chú trọng triển khai.
Vừa qua, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp cùng Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo, tập huấn “Du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã” trao đổi, thảo luận về thực trạng buôn bán động vật hoang dã, ảnh hưởng của hoạt động của du lịch đến môi trường sinh thái. Qua đó, đưa ra những giải pháp, hành động có trách nhiệm của cộng đồng để phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được sinh thái tự nhiên”.
Trong bối cảnh ngành du lịch đã mở cửa trở lại và đang trên đà phục hồi thì việc ngăn chặn các nhóm du khách thích mua sản phẩm ngà voi và các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng là việc làm cần thiết. Việt Nam hiện có 33 vườn quốc gia, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu dự trữ sinh quyển... qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour đặc trưng cho từng địa phương, vùng miền.
Công an tỉnh Gia Lai thu giữ các sản phẩm được chế tác tinh xảo từ ngà voi. Ảnh: MN
Tuy nhiên, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Quản lý chương trình Chống buôn bán các loài hoang dã (WWF-Việt Nam) cho biết Việt Nam là một trong những "điểm đến" của ngà voi, sừng tê giác bị buôn bán trên toàn cầu. Báo cáo của WWF cho biết 59% số người gợi ý khách Trung Quốc tới các cửa hàng bán ngà voi ở Việt Nam là hướng dẫn viên ở địa phương.
Theo WWF, nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam có bán các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê (công khai hoặc không công khai). Năm 2017, tổ chức TRAFFIC khảo sát 13 thị trường ngà voi phổ biến tại Việt Nam, hầu hết là các điểm thu hút khách du lịch Trung Quốc như Hạ Long, Móng Cái, Nha Trang và phát hiện có 6.000 sản phẩm chế tác từ ngà voi bày bán công khai ở 852 cửa hàng.
Hoạt động buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã làm mất đi cảnh quan thiên nhiên và các điểm du lịch sinh thái quan trọng. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên mà ngành du lịch đang dựa vào để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đồng thời, ảnh hưởng đến hình ảnh tươi đẹp, thanh bình của Việt Nam, suy giảm sức hấp dẫn đối với du khách quan tâm đến vấn đề môi trường, khiến cho doanh thu của ngành du lịch sụt giảm.
Du lịch thân thiện với động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Yok Đôn Ảnh: Du lịch Yok Đôn
Trước thực trạng trên, các hướng dẫn viên, nhà quản trị lữ hành được trang bị các kiến thức về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã; thực trạng buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và dẫn chứng về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã thông qua kênh du lịch. Bộ phận này cần nhận diện những rủi ro liên quan đến hành vi giới thiệu, môi giới mua bán các sản phẩm động vật hoang dã.
Theo các chuyên gia của WWF, toàn bộ ngành du lịch cần phải tham gia ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã. Trong đó, các hướng dẫn viên du lịch "đứng ở tuyến đầu", ngoài ra cả nhân viên lễ tân khách sạn hay các vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch cũng đóng vai trò quan trọng. Các điểm du lịch hay cơ sở lưu trú đều phải sẵn sàng tài liệu truyền thông để mọi du khách hiểu về bảo tồn động vật hoang dã.
Ngành du lịch Việt Nam cần tham gia và ủng hộ các cam kết chống buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã; thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động, thực vật hoang dã. Cần nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành du lịch, hướng dẫn viên, du khách về các vấn đề liên quan đến bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã, trong đó các hướng dẫn viên sẽ trở thành đại sứ thiện chí về bảo vệ động vật hoang dã.
Năm 2022, ngành Du lich Việt Nam đặt ra mục tiêu là thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng. Đồng thời, theo Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2022-2023 là giai đoạn phục hồi, với mục tiêu đến năm 2023 đón khoảng 9 triệu lượt khách quốc tế.
Cùng với những giải pháp thúc đẩy ngành du lịch phục hồi, tăng tốc phát triển thì việc phát triển du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững là một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phát triển bền vững.
Thanh Nga
Bình luận