Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 07/03/2022 16:03
TMO - Đắk Nông là một trong những tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, công tác quản lý quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến thất thoát lớn về nguồn thu từ khoáng sản.
Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác các loại khoáng sản như: vàng sa khoáng, đá bazan hay còn gọi là đá cây (dạng trụ, cột), cát, than bùn… trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thường xuyên xảy ra với quy mô khá lớn. Điển hình, tại địa bàn một số huyện như: Đắk Mil, Đắk RLấp, Đắk Glong… đã xuất hiện hàng chục bãi khai thác đá cây trái phép với diện tích hàng chục hecta.
Ngoài ra, có một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường, nhưng khi phát hiện có đá cây, doanh nghiệp lại không khai báo mà tự ý khai thác bán ra thị trường để thu lợi bất chính số tiền chênh lệnh rất lớn.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô diễn ra phức tạp
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép dọc tuyến sông Krông Nô vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, dọc sông Krông Nô đã có 19 điểm sạt lở xung yếu do khai thác cát, vận hành thủy điện với tổng chiều dài hơn 9,7km. Các đoạn sông bị sạt lở vừa gây lãng phí về tài nguyên đất, cát và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Thông tin về tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương gia tăng, nguyên nhân chính là do giá các loại vật liệu xây dựng như: cát, đá bazan dạng trụ tăng cao dẫn đến một số đối tượng vì lợi nhuận nên đã bất chấp khai thác khoáng sản trái phép.
Đồng thời, một số tổ chức, cá nhân được giao đất, giao rừng, mặt nước với diện tích lớn để quản lý, nhưng ý thức trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên diện tích đất được giao chưa cao, các đối tượng đã lợi dụng điều này để khai thác cát, đá,… trái phép. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép tại một số địa phương vẫn còn yếu; công tác phối hợp quản lý giữa các Sở, ngành, địa phương chưa được triển khai thực hiện chặt chẽ.
Hàng trăm cây đá bazan dạng trụ cột bị các đối tượng “đá tặc” khai thác trái phép tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông
Việc khai thác cát, đá bazan trái phép đã diễn ra tại một số địa phương, như: ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp; xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil; xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Sau khi nhận được phản ánh từ các phương tiện truyền thông và của người dân, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, để bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác cũng như nâng cao chất lượng quản lý trong khai thác khoáng sản, tránh làm thất thoát nguồn tài nguyên này, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương trong trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý dứt điểm hoặc không kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên trong trường hợp không ngăn chặn được.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xem xét công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, khen thưởng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý; chú trọng phân bổ ngân sách, đảm bảo cho chính quyền các địa phương, lực lượng Công an triển khai các hoạt động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh cần thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu, xử lý thuế nợ đọng theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Đơn vị này cần chuyển hồ sơ đối với những doanh nghiệp khai thác khoáng sản nợ đọng thuế kéo dài sang cơ quan có thẩm quyền xử lý, như: thu hồi dự án, giấy phép khai thác hay chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hồng Thảo
Bình luận