Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ ba, 26/04/2022 21:04
TMO - Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến thất thường và ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai được lãnh đạo địa phương chú trọng triển khai.
Năm nay mùa mưa tại tỉnh Cà Mau bắt đầu từ cuối tháng 3, sớm hơn trung bình nhiều năm là hơn 1 tháng. Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh bên cạnh ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), thì lốc, sét và sạt lở đất là 2 loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại tỉnh, mức độ thiệt hại đến con người, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội rất lớn.
Năm 2022, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xây dựng các phương án ứng phó với bão, ATNĐ và gió mạnh trên biển theo cấp độ rủi ro thiên tai. Bao gồm phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; phương án ứng phó sạt lở, sụt lún và phương án về lốc xoáy, sét.
Tỉnh Cà Mau tăng cường các biện pháp ứng phó với sạt lở bờ sông
Tuy nhiên, đối các hiện tượng thời tiết như dông lốc sạt lở đất... thường khó dự báo chính xác; ngoài ra, do địa bàn rộng, bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch nên việc thông tin đến người dân gặp nhiều khó khăn. Đối với loại hình thiên tai này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ngoài biện pháp thông tin, tuyên truyền còn sử dụng kết hợp phương án cắm biển cảnh báo tình hình sạt lở tại tỉnh. Đến nay đã cắm 541 biển cảnh báo sạt lở trên 365 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm để cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh khu vực sạt lở.
Đối với các công trình phòng chống thiên tai, trên địa bàn tỉnh có 93 tuyến đê bao, bờ bao được xây dựng với tổng chiều dài 714,54 km (chống tràn triệt để 373,5 km, chống tràn thời vụ 331,04 km). Ngoài ra, hệ thống thuỷ lợi tỉnh còn có 187 cống và 15 trạm bơm có công suất từ 2.500-21.000 m3/h với các nhiệm vụ chính là kiểm soát mặn, ngăn triều và tiêu nước.
Tỉnh Cà Mau chú trọng công tác nâng cấp các tuyến đê xung yếu nhằm kiểm soát mặn, ngăn triều cường dâng
Trong đó, tuyến đê bao biển biển Tây có chiều dài khoảng 103 km với gần 52 km đê được kiên cố hoá, còn lại hơn 26 km đê đất. Tổng chiều dài kè bảo vệ bờ biển tại tỉnh trên 56 km. Hiện tại, các tuyến kè bảo vệ bờ biển cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn luôn được cảnh báo trước sức ép từ sóng to kết hợp với thủy triều dâng.
Theo nhận định của ngành khí tượng thuỷ văn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới số lượng các cơn bão hoạt động trên biển Đông có xu hướng gia tăng về cường độ, tốc độ, đường đi của bão phức tạp và có xu thế dịch chuyển về phía Nam.
Bên cạnh đó, số ngày nắng nóng (>35 độ C) cũng có xu thế tăng, hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn và lượng mưa giảm vào mùa khô. Nếu với mực nước biển dâng đạt giá trị 100 cm, Cà Mau là tỉnh ven biển thuộc vùng ĐBSCL có nguy cơ ngập cao thứ hai (57,7%), chỉ sau Kiên Giang (76,9%).
Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa có công văn đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2022.
Theo đó, các đơn vị cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trong mùa mưa bão; tăng cường công tác thông tin và truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, thực hiện tốt phương châm “04 tại chỗ”.
Tỉnh Cà Mau ban hành hướng dẫn các địa phương chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho sinh hoạt và sản xuất
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát hiện trạng các khu neo đậu, chủ động sửa chữa các hư hỏng; tiến hành nạo vét luồng lạch và cung cấp thông tin liên quan để tàu thuyền ra vào tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển, khu vực hải đảo. Để đảm bảo sản xuất, chủ động vận hành hợp lý các trạm bơm, hệ thống cống trên đê biển Tây, đê Sông Đốc, đê sông Cái Tàu để chống ngập úng, điều tiết nước phục vụ sản xuất.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, đặc biệt là thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, chủ động kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông tại các tuyến giao thông nội ô thành phố, khu vực tập trung đông dân cư thường xuyên bị ngập sâu, ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn, triều cường, đặc biệt là trong giờ cao điểm để tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn lưu thông và đi lại thông suốt cho người dân.
Hồng Nhung
Bình luận