Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 27/04/2023 13:04
TMO - Để sẵn sàng các phương án tiêu thụ vải thiều và nâng cao các giá trị của sản phẩm vải thiều năm nay, tỉnh Hải Dương đã triển khai các giải pháp tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
Toàn huyện Thanh Hà hiện có 3.265 ha vải, trong đó vải sớm là 1.700 ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Trong năm 2023, toàn huyện có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số xuất khẩu, trong đó 45 mã số vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc; 40 mã số vùng trồng xuất khẩu Úc; 36 mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản; 39 mã số vùng trồng xuất khẩu Hoa Kỳ; 8 mã số vùng trồng xuất khẩu Thái Lan. Khoảng 500ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50ha đạt chuẩn tiêu chuẩn GlobalGAP còn hiệu lực.
Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây vải sinh trưởng nên tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 95%. Vải u trứng đang quả non đến bắt đầu làm cùi. Vải u hồng, u thâm, tàu lai và vải thiều chính vụ đang ra quả non. Sản lượng vải Thanh Hà năm nay ước tính khoảng 40.000 tấn.
Dự kiến thời gian thu hoạch các trà vải năm 2023: Vải u trứng trắng bắt đầu thu từ nửa cuối tháng 5/2023; vải u trứng gai bắt đầu thu từ cuối tháng 5/2023; vải nhỡ (vải u hồng, u thâm) bắt đầu thu từ đầu tháng 6/2023; vải Tàu lai bắt đầu thu từ giữa tháng 6/2023. Trà vải thiều chính vụ bắt đầu thu từ giữa tháng 6/2023. Như vậy, vào khoảng giữa tháng 6/2023 khả năng sẽ có cả 3 giống vải cùng cho thu hoạch: u hồng, Tàu lai, vải thiều chính vụ; do đó sản lượng thu hoạch lớn, dồn dập có khả năng sẽ tạo áp lực lớn trong việc tiêu thụ vải.
Vải thiều Thanh Hà là nông sản duy nhất của tỉnh Hải Dương nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý tại thị trường các nước EU; là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao (cấp Quốc gia). Hiện nay vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Australia... và dần chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng các quốc gia này với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm Bên cạnh đó, đó, trong những năm qua vẻ đẹp của vườn vải trĩu quả đã thu hút hàng chục nghìn du khách thăm quan, trải nghiệm, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.
Sản lượng vải Thanh Hà năm nay ước tính khoảng 40.000 tấn, địa phương này đã chủ động các phương án xúc tiến tiêu thụ trong năm nay.
Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà cho biết, do thời gian thu hoạch vải ngắn, dồn dập trong khoảng 1 tháng, UBND huyện Thanh Hà đặc biệt quan tâm đến công tác tìm đầu ra và tiêu thụ vải cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đặc tính, ưu điểm nổi trội của quả vải thiều Thanh Hà, diện tích cây trồng, năng suất, sản lượng, quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải thiều, các quy định trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đối với sản phẩm vải thiều, các quy định sản xuất vải thiều đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; sản xuất, chăm sóc, phòng trừ theo quy định đảm bảo xuất khẩu ra thị trường quốc tế qua Báo, Đài từ Trung ương đến địa phương.
Theo đánh giá của Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của quả vải Việt Nam. Năm nay, việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc có nhiều thách thức do thị trường này có những yêu cầu mới với nông sản nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường tiêu chuẩn cao, khắt khe nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.
Để xuất khẩu thuận lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119 ha. Sở cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 5 mã số vùng trồng vải sang thị trường Trung Quốc.
Sở Công Thương Hải Dương cho biết, ngay từ đầu mùa vải, ngành công thương đã sớm triển khai xúc tiến thương mại. Xác định tập trung thị trường nội địa. Ngành Công Thương đã kết nối với các tỉnh thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Hải Dương và thông qua hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Thanh Hà tới thị trường mới.
Để chủ động đầu ra cho quả vải năm nay, huyện Thanh Hà cũng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành phố, tập trung phối hợp với trung tâm, siêu thị lớn tại các thành phố tập trung dân cư, khu công nghiệp; tổ chức tuần lễ Vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; lập đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại một số địa phương, cửa khẩu...
Đối với thị trường xuất khẩu, cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…, Sở Công Thương Hải Dương cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị chức năng của Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ… tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường mới, tiềm năng như các nước khu vực Nam Mỹ; các nước thuộc châu Phi… và ngay tại chính Trung Quốc, một thị trường rộng lớn, giáp với Việt Nam.
Hoàng Trần
Bình luận