Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 07:01
Thứ sáu, 21/04/2023 07:04
TMO - Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho công tác phòng chống thiên tai là phải chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và năng lực cứu hộ cứu nạn.
Trong năm 2022, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra rất phức tạp. Nhiều thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trong đó nắng nóng, hạn hán kéo dài, nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm tại châu Âu gây thiệt hại kinh tế trên 19 tỷ đô la Mỹ; siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9 làm 154 người chết, thiệt hại trên 50 tỷ đô la Mỹ; lũ lụt lịch sử trong tháng 7-8 tại Pakistan làm gần 1.700 người chết, thiệt hại khoảng 30 tỷ đô la Mỹ; trận động đất với độ lớn 5,6 độ richter ngày 21/11 tại Indonesia làm 321 người chết,…
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường như: ngày 6/2/2023, tại khu vực miền Nam và miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria, đã xảy ra 2 trận động đất với độ lớn 7,8 và 7,5 kèm theo 90 dư chấn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 53.000 người chết, 130.000 người bị thương và hơn 6.200 toà nhà bị sập đổ, thiệt hại kinh tế trên 105 tỷ đô la Mỹ. Cuối tháng 2/2023, 20 bang miền Tây và Trung nước Mỹ chịu ảnh hưởng của bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm làm 7.600 chuyến bay bị huỷ, khoảng 1 triệu người bị mất điện,
Ở Việt Nam, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm 2022 và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê. Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên,… Các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai công tác dự báo, cảnh báo cần được đặc biệt chú trọng để giảm thiểu thiệt hại.
Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm, gây ngập lụt tại khu vực đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn,…Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.
Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, trong đó, ngay cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hoà Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Trước tình hình thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các cấp đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; hoàn thiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình hình thiên tai năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường. Để ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt đó, cộng đồng các địa phương đã rất trách nhiệm để hạn chế thiệt hại. Công tác phòng ngừa được chú trọng nhiều hơn. Việc tập huấn cũng đã sát hơn với thực tế. Công tác cảnh báo, dự báo có nhiều chuyển biến. Công tác ứng phó ngày một kịp thời. Việc khắc phục có sự tham gia của nhiều người, nhiều lĩnh vực hơn, trong đó có tổ chức quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng các Bộ, ngành, địa phương cần sẵn sàng tâm thế là công tác phòng, chống thiên tai sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư chưa được cải thiện, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai. Đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương hường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn.
Cần tập trung nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo, để dự báo, cảnh báo kịp thời hơn, bởi dự báo không đúng thì hệ luỵ khôn cùng. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, để xây dựng ý thức chung trong cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai.
Phó Thủ tướng đề nghị cần tăng cường và nâng cao trách nhiệm hơn trong phối hợp cũng như phân công trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng trong phòng chống thiên tai. Ngoài dành nguồn lực trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thiên tai, các địa phương cần quan tâm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng ở địa phương phải lưu ý tới yếu tố ứng phó với thiên tai.
Các địa phương cần chủ động phương án, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Ảnh: BBG.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật; tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai.
Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng cần tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn… Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch: Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo, hoàn thiện công cụ, hệ thống dự báo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.
Lê Mai
Bình luận