Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/12/2024 06:12
Thứ năm, 05/12/2024 06:12
TMO - Hiện nay tình trạng xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp, thời gian xâm nhập mặn được dự báo sớm hơn mọi năm. Là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn trong cả nước, tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác phòng, chống hạn, mặn bảo vệ cho cây sầu riêng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tổng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 22.000 ha, trong đó diện tích giai đoạn kiến thiết cơ bản 6.875 ha và 14.915 ha cho trái, năng suất 25,93 tấn/ha, sản lượng 386.724 tấn/năm. Hiện toàn tỉnh có 155 Mã số vùng trầu sầu riêng xuất khẩu được cấp phép, với diện tích hơn 6.900 ha.
Tuy nhiên, sầu riêng là cây trồng mẫn cảm với độ mặn trong nước. Đối với một số cây trồng khác không được tưới nước khi nồng độ mặn của nước trên 1‰, riêng với sầu riêng độ mặn phải dưới 0,5‰ mới dùng để tưới được cho cây. Do đó, trong quá trình canh tác sầu riêng cần phải chăm sóc và bảo vệ, tránh để cây sầu riêng bị nhiễm mặn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang, mùa mưa năm nay trên địa bàn tỉnh đã kết thúc vào cuối tháng 11 vừa qua. Mùa khô, dự đoán nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn mức trung bình hàng năm và thấp hơn mùa khô năm 2023 - 2024, có thời điểm tương đương mùa khô năm ngoái.
Dự kiến cuối tháng 12 này, nước mặn từ 1-2‰ sẽ xâm nhập cách cửa sông trên 20km và bắt đầu tăng lên theo triều. Rút kinh nghiệm từ mùa khô hạn các năm trước, năm nay chính quyền và người dân vùng trồng cây sầu riêng tại Tiền Giang đã chủ động phòng chống hạn mặn.
Ngay từ mùa mưa chính quyền đã triển khai kế hoạch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét các tuyến kênh nhỏ, bồi lắng, gia cố hệ thống cống, bọng đảm bảo chức năng ngăn, trữ nước. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, người dân còn tự nguyện đóng góp kinh phí để ứng phó với hạn mặn. Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn của ngành chuyên môn đến nay người trồng cây sầu riêng đã nắm vững các biện pháp, phương pháp phòng chống thiên tai theo hướng công trình và phi công trình.
Bởi cây sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn, khi độ mặn hơn 0,5‰ là đã gây thiệt hại đến cây. Do đó, hiện nay công tác bảo vệ vườn cây được nhà vườn quan tâm hàng đầu. Theo chia sẻ của một số người dân trồng sầu riêng ở ấp Hiệp Ninh, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, trồng sầu riêng rất sợ hạn mặn, do đó phải dọn ao mương để trữ nước ngọt phục vụ cho tưới tiêu, không nên lấy nước dưới sông. Bên cạnh đó phải để cỏ giữ độ ẩm cho gốc cây, đảm bảo cây được tươi xanh. Được biết xã Phú An, huyện Cai Lậy có 800 ha cây sầu riêng chuyên canh.
(Ảnh minh hoạ).
Ở thời điểm này, địa phương có khoảng 400ha được nhà vườn xử lý cho trái. Chính quyền và nhân dân xã đang khẩn trương ứng phó với thiên tai. Lãnh đạo xã Phú An, huyện Cai Lậy cho biết, đối với người dân thực hiện ngay biện pháp dọn cỏ, dọn lục bình khai thông dòng chảy, nạo vét mương vườn thật sâu để trữ lượng nước ngọt cho nhiều. Về phía nhà nước thì đã đề nghị về huyện để nạo vét kinh nội đồng, khai thông dòng chảy, tạo sâu, thông thoáng để trữ nước.
Đồng thời vận động người dân đối với cặp tuyến bờ Đông, bờ Tây sông Phú An đối với các kênh do dân quản lý sửa chữa lại các ống bọng, nắp bọng, phía trong phía ngoài để khi có mặn đến kịp đóng bên ngoài để mặn không vào và đóng bên trong để trữ lượng nước ngọt lại. Trước đó, trong vụ nghịch hiện nay, hơn 60% vườn cây sầu riêng ở Tiền Giang bị mất mùa.
Trong đó có nguyên nhân do nắng nóng, hạn mặn từ các năm trước. Thế nên, ngoài các công trình, hạ tầng mà nhà nước đã đầu tư trước đây, nhà vườn cũng không ngại bỏ ra kinh phí để tiếp tục thực hiện các phần việc, công trình trữ nước tại khu dân cư, mảnh vườn của gia đình.
Thuận lợi trong công tác phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn sầu riêng của tỉnh Tiền Giang là cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) vừa hoàn thành đưa vào vận hành cùng với 6 cống ven sông Tiền khép kín là những “pháo đài” ngăn mặn, trữ ngọt rất có hiệu quả. Lãnh đạo đơn vị khai thác thủy lợi Tiền Giang thông tin, đơn vị sẽ có kế hoạch vận hành cống đập hợp lý theo phương án phòng chống hạn mặn của UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành. UBND tỉnh Tiền Giang đã có phương án 448 phòng chống hạn mặn.
Công ty sẽ căn cứ phương án đó sẽ xây dựng kế hoạch vận hành cống theo phương án đó. Mình sẽ tăng cường trữ nước ngọt thì đến cuối tháng 12 mới trữ nước vùng Gò Công vì trữ sớm sẽ ảnh hưởng đến thu hoạch lúa. Tình hình hạn mặn năm nay đến thời điểm này chưa có vấn đề gì, khả năng đến Tết thì có mặn nhưng sẽ không khó như năm rồi. Cống Xuân Hòa vẫn còn tháo rửa bình thường chưa đóng ngăn mặn. Ở phía Tây chỉ ngăn lũ, ngăn triều cường, khi có triều cường thì đóng các cống ven tỉnh lộ 864 để không cho ngập.
Vườn cây sầu riêng giai đoạn cho trái, giá rất cao nên nhà vườn quyết tâm ứng phó với khô hạn để có mùa bội thu. Với những biện pháp chủ động, nếu như hạn mặn xâm nhập ở mức trung bình nhiều năm và tương đương mùa khô năm 2023-2024 thì tình hình nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt sẽ được đảm bảo, đặc biệt vườn cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang sẽ an toàn, xanh tốt.
Theo khuyến cáo của Lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, việc chăm sóc cây trồng vào mùa khô là rất quan trọng để đảm bảo cho cây trồng phát triển và sinh trưởng tốt, cũng như giữ cho chúng không bị chết khô.
Trong đó, cây sầu riêng là loại cây trồng mẫn cảm với mặn (chỉ chịu được nồng độ mặn dưới 1‰ (dưới 1 g/lít), đồng thời cũng là cây chịu hạn kém. Để bảo vệ vườn sầu riêng, nhà vườn cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại.
Trong mùa hạn mặn, người dân có thể bón phân lân, vôi để hạn chế sự thu hút các ion Cl, Ca vào trong cây (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, phải kiểm tra nồng độ mặn trước khi lấy nước vào vườn và trước khi tưới cho cây. Tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1 g/l (1‰); không nên tưới nước có độ mặn cao hơn 0,5 g/l (0,5‰). Củng cố hệ thống đê bao, tu sửa cống, bộng của vườn để tránh nước mặn xâm nhập. Đồng thời, cải tạo mương chứa để dự trữ nước ngọt, hoặc trữ trong những túi nilon dày để tưới cho cây trong những tháng nước mặn. Tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trước khi xâm nhập mặn để giảm nhu cầu nước của cây. Phần gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…
Sử dụng nấm mycorrhiza, trichoderma kết hợp phân hữu cơ để tăng khả năng chống chịu với hạn mặn và ức chế gây hại của vi sinh vật gây bệnh. Bón phân lân, vôi để hạn chế sự thu hút các ion Cl, Ca vào trong cây. Khi quá trình hạn, mặn kéo dài, cần phun thêm phân bón lá và các chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn.
Ngoài ra, nhà vườn cũng có thể bón phân trung và vi lượng có chứa Ca, Mg, Si, các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ (phân cá, rong biển, than bùn...), các chế phẩm có chứa proline, brassinosteroid (hormone thực vật) để làm tăng tổng hợp chlorophyll và quang hợp, để vừa tăng khả năng chống chịu của cây. Không xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Nếu vườn cây bị khô hạn, hoặc nhiễm mặn, cần chú ý bón bổ sung phân kali và vôi bột. Sau hạn mặn, cần phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật phục hồi cây sầu riêng.
Với định hướng quy hoạch phát triển diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, người dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và các nhà khoa học. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển cây ăn trái; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát sự phát triển của cây, lưu ý chỉ trồng, canh tác sầu riêng tại vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.
Huyền Thương
Bình luận