Hotline: 0941068156
Thứ tư, 29/01/2025 05:01
Thứ tư, 30/10/2024 06:10
TMO - Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, là cơ hội thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh cho đàn vật nuôi phát triển. Nhằm mục tiêu phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Hiện toàn tỉnh Sơn La có tổng đàn gia súc, gia cầm với số lượng lớn. Đàn bò đạt khoảng 398.000con, trong đó đàn bò sữa ước đạt gần 27.700 con; đàn trâu ước đạt hơn 111.000 con; đàn lợn ước đạt trên 576.000 con; đàn gia cầm ước đạt trên 8 triệu con. Trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra một số dịch bệnh động vật như: Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, bệnh Dại, Viêm da nổi cục. Số động vật mắc bệnh 2.778 con; động vật chết, tiêu hủy 2.357 con.
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại Sơn La, theo thống kê từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 107 lượt tổ, bản của 148 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 2.300 con, tổng trọng lượng trên 92,8 tấn.
Để dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ gia đình về biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nâng sức đề kháng cho đàn lợn.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng nâng cao công tác quản lý và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa. Đơn cử như tại huyện Mộc Châu, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch; tiêm các loại vắc xin phòng bệnh; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn.
Chiềng Sơn là xã có số lượng đàn vật nuôi lớn của huyện Mộc Châu với hơn 1.600 con trâu, bò, gần 3.400 con lợn, trên 78.000 con gia cầm. Vào thời điểm tháng 5, trên địa bàn xã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi; có 96 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy hơn 500 con lợn bệnh.
Lực lượng chức năng tiêu huỷ lợn chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh minh hoạ: TH).
Lãnh đạo UBND xã Chiềng Sơn, cho biết, ngay khi phát hiện ổ dịch, xã vận động nhân dân tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định và phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện sử dụng 100 kg hóa chất phun khử trùng toàn bộ chuồng trại trong xã. Cùng với đó, từ nguồn xã hội hóa, toàn xã đã tiêm hơn 2.600 liều vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Đến thời điểm này, toàn xã đã hết dịch.
Mộc Châu hiện có tổng đàn gia súc hơn 82.000 con và gần 363.000 con gia cầm; chăn nuôi trở thành một trong những hướng đi phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Để duy trì và phát triển đàn vật nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng các quy trình kỹ thuật vào chăn nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, như: Vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng; thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã thống kê số lượng đàn vật nuôi; cung ứng đầy đủ các loại vắc xin, thuốc khử trùng, dụng cụ phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không tuân thủ các quy định của pháp luật có thể là nguồn lây của dịch bệnh.
Lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Mộc Châu, thông tin, trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi.
Người dân rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại, bảo vệ đàn vật nuôi. (Ảnh minh hoạ).
Đồng thời cấp 384 lít hóa chất, vật tư phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh. Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan nhanh.
Do đó, huyện Mộc Châu tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên nắm tình hình các loại dịch bệnh theo mùa để kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra; hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, chủ động thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Còn tại huyện Vân Hồ, địa phương hiện có hơn 138.200 con gia súc, trên 470.000 con gia cầm; để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được huyện Vân Hồ chú trọng, nhất là đẩy mạnh công tác tiêm phòng dịch để đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn được duy trì và phát triển.
Huyện Vân Hồ đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị có liên quan thành lập các đoàn công tác, phối hợp với UBND các xã chỉ đạo xử lý ổ dịch; điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêu hủy động vật mắc bệnh.
Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn. Rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ liều theo quy định. Xây dựng kế hoạch, phân bổ vắc-xin và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tiêm phòng vắc xin các loại cho đàn vật nuôi.
Thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan nhanh. Nhất là với gia cầm dễ mắc các bệnh như viêm phổi, cúm, tiêu chảy, tụ huyết trùng…Vì vậy, các địa phương cần triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc các hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua các loại vắc-xin không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo từng độ tuổi…
Đối với các hộ gia đình, việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cần được các gia đình thực hiện nghiêm ngặt như phun thuốc khử trùng, tiêu độc ở khu vực chăn nuôi 1 lần/tháng và rắc vôi bột 4 lần/tháng; cung cấp đủ nước uống, thức ăn, bổ sung vitamin, men tiêu hóa cho gia cầm; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia cầm…
Tích cực phòng, chống dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tuân thủ các quy định về tiêm phòng, khai báo bệnh dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại sau khi xuất chuồng; chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bảo đảm đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, an toàn…/.
Huyền Trang
Bình luận